Đây là trao đổi của Thứ trưởng Thường trực NN&PTNT Hà Công Tuấn (ảnh bên) với phóng viên Nhân Dân hằng tháng chung quanh cơ hội phát triển của ngành gỗ sau khi ký kết EVFTA.
EVFTA được nhìn nhận là một cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu đồ gỗ sang châu Âu. Theo ông, đâu là điểm mấu chốt để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này?
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có những cam kết rất sâu để kích thích sản xuất và xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến gỗ của chúng ta tăng trưởng được nhanh như vậy có thể nói là do tác động của các Hiệp định Thương mại tự do. Sau những Hiệp định Thương mại tự do lớn thì với những thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... chúng ta đều có những hiệp định song phương, hoặc chúng ta đã ký với họ trong khuôn khổ ASEAN, nên chúng ta được hưởng nhiều lợi ích về thương mại cũng như giảm thiểu rào cản phi thuế quan. Nhờ đó, ngành gỗ phát triển rất nhanh, đồng thời phải tự cải tiến, tiếp nhận những thành quả khoa học công nghệ mới của nhân loại để đáp ứng yêu cầu các sản phẩm theo chuẩn quốc tế mà chúng ta đã ký kết.
Riêng về EVFTA, hiện nay các loại gỗ xuất khẩu vào EU có khoảng 253 dòng hàng, với 117 dòng hàng đang có thuế xuất là 0%. Đây cũng là những mặt hàng chủ lực, chiếm 88% giá trị xuất khẩu hiện nay. Cơ hội về thuế xuất về 0% sau EVFTA còn khoảng 130 dòng hàng nữa nhưng giá trị xuất khẩu chỉ chiếm 12% giá trị. Nếu tính toán cơ học theo giá trị xuất khẩu hiện nay thì khi được hưởng lợi về thuế ngành chỉ tăng trưởng thêm khoảng 3% vào năm 2025. Như vậy nếu chỉ nhìn vào lợi thế về thuế thì giá trị tăng trưởng của ngành gỗ chưa hẳn đã cao.
Đứng ở góc nhìn khác, khi ký kết được Hiệp định Thương mại tự do này là chúng ta đã giảm được căn bản các rào cản phi thuế quan như: Truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình khi xuất hàng, tạo uy tín thương hiệu gỗ Việt...
Nếu tập trung khai thác tốt thì EVFTA sẽ là "xa lộ" để hàng gỗ của chúng ta vào thị trường EU một cách thông thoáng hơn. Cụ thể, nếu tính toán về giá trị có thể thấy hiện nay mặt hàng gỗ của chúng ta mới chiếm khoảng 1% nhu cầu của thị trường EU, chỉ cần nâng lên 2%-3%, có nghĩa là tăng hai, ba lần giá trị hiện nay, là chúng ta đã có thêm khoảng hai, ba tỷ USD từ xuất khẩu.
Cơ hội lớn thường đi kèm thách thức lớn, ông có thể cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào trong thời gian tới?
Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ một cách bền vững có rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Hiệp định EVFTA hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải bảo đảm rất chắc chắn về nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp của mình. Bên cạnh quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định.
Quan trọng nhất là nguyên liệu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đang bị giảm do các nước xuất khẩu nguyên liệu cho chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chuỗi logistics cũng gặp khó như vậy. Trong khi đó nguyên liệu trong nước phải giải được bài toán làm sao sử dụng được cả gỗ lớn và gỗ nhỏ, cả gỗ cành ngọn và gỗ thân.
Gỗ thân dùng cho ngành công nghiệp chế biến ra các sản phẩm lớn, còn gỗ cành ngọn chủ yếu dùng làm dăm, MDF và viên nén (làm chất đốt, phân vi sinh...). Nhưng thị trường về dăm và MDF hiện nay cũng đang bị giảm. Chính vì vậy để có hiệu quả cao nhất trên một diện tích rừng đối với doanh nghiệp sản xuất gỗ thì phải bán được hết các phần của cây gỗ từ thân đến ngọn.
Về lâu dài chúng ta phải cơ cấu lại công nghệ, cơ cấu lại mặt hàng để làm sao có nhiều hơn các sản phẩm sau dăm gỗ. Các phụ phẩm này cần hướng tới chế biến được sản phẩm cho nội địa để không còn phụ thuộc nhập khẩu nhiều.
Như vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ đã làm gì để thích ứng với cơ hội mới, thưa ông?
Thời gian qua, công nghệ đã giúp chúng ta giữ được bạn hàng, quan hệ với khách quốc tế và thông tin được công khai, minh bạch trong Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Tôi cũng nhắc lại việc vô cùng ý nghĩa trong thời điểm này đó là chúng ta đã giữ được đơn hàng. Chúng tôi cũng có thông tin về lượng đơn hàng hiện nay cao hơn mức chúng ta có thể cung ứng được. Nhìn lại thời gian này có thể nói rằng bằng sự thích ứng của doanh nghiệp, chúng ta đã "đi tắt" được trên biểu đồ phát triển của ngành, và kết quả là nhận được cơ hội còn cao hơn cả lúc chưa có dịch.
Đại dịch Covid-19 tác động xấu tới tình hình xuất khẩu gỗ. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng ứng phó của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này?
Có thể nói doanh nghiệp trong ngành gỗ của Việt Nam hết sức năng động. Trong đại dịch Covid-19, nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất đã được thực hiện, không có một công xưởng, nhà máy nào của ngành gỗ có người dương tính với Covid-19. Tất nhiên diễn biến của đại dịch này vẫn còn hết sức phức tạp, nên tới đây doanh nghiệp cũng phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành các đơn hàng trong điều kiện mới.
Tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến các thị trường lớn của chúng ta. Điển hình như thị trường Mỹ, trong chín tháng qua nhu cầu từ thị trường này tăng, chiếm tới 46% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ, sau đó mới là Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU. Áp lực này cũng là cơ hội thúc đẩy quản trị của doanh nghiệp. Điển hình như Hội Mỹ nghệ - Đồ gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) đã ứng dụng công nghệ thông tin vào triển lãm trực tuyến. Nhiều đối tác quốc tế vào được showroom trực tuyến và các doanh nghiệp Việt triển khai bán hàng online. Có nhiều đơn hàng đã được ký kết thông qua hoạt động này. Ngay cả doanh nghiệp và hiệp hội cũng làm việc trực tuyến với nhau rất hiệu quả.
Cơ quan quản lý đóng vai trò như thế nào trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Như tôi đã nói doanh nghiệp gỗ rất năng động trong tiếp cận tín hiệu thị trường và chuyển đổi tổ chức sản xuất cũng rất nhanh chóng. Tuy nhiên thời điểm này chính là lúc toàn ngành cần đoàn kết để xây dựng được một ngành công nghiệp phát triển mang tầm quốc tế.
Trong đại dịch, dù có nhiều khó khăn nhưng đa phần các doanh nghiệp sản xuất gỗ không quá cần những hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước mà cần nhất là sự điều phối hợp lý từ cơ quan quản lý. Các hiệp hội trong lĩnh vực lâm nghiệp hoạt động rất tốt nhưng chưa thật sự có sự quy tụ, chính vì vậy vai trò của các cơ quan quản lý trong ngành lâm nghiệp là cần tạo được một sân chơi rộng lớn hơn, kết nối chặt chẽ hơn các doanh nghiệp, hiệp hội với nhau.
Cùng với đó là những chính sách mang tính lâu dài để tạo một lộ trình phát triển cho ngành. Cần hoàn thiện Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững; bám sát, xây dựng kịch bản hỗ trợ xuất, nhập khẩu lâm sản bảo đảm đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu lâm sản năm 2020; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...
Xin ông cho biết những định hướng trong thời gian tới để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ?
Trong chín tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng 12% so cùng kỳ là thành tựu ngoài mong đợi. Từ nay đến cuối năm thời gian không dài, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng bốn tỷ USD nữa. Như vậy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam ước đạt 12,5 tỷ USD, không hề thua kém các năm trước.
Giải quyết nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta hiện nay là rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ điều phối, làm đầu mối liên kết giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam với các hiệp hội trồng rừng và các chủ rừng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ các chủ rừng thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ngay sau Hội nghị giao ban ngành gỗ chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác này, nhất là đối với các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu rất mạnh là gỗ cao-su và gỗ rừng trồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hương (thực hiện)