Đón gió mùa trên “sống lưng khủng long”

|

Tới Bình Liêu mùa này, những đồi cỏ chưa ngả mầu vàng óng, hoa sở cũng chưa vào chính độ, nhưng du khách sẽ được thỏa thích bay nhảy giữa bạt ngàn hoa lau, được tận hưởng cảm giác bình yên với khung cảnh bản làng mùa lúa chín. Và hơn thế là để trải nghiệm những cung đường biên viễn tuyệt đẹp trong thời khắc giao mùa, chinh phục đỉnh cao để cảm nhận hai tiếng thiêng liêng - Tổ quốc.

Địa danh Bình Liêu nằm ở phía đông - bắc tỉnh Quảng Ninh đã dần trở nên quen thuộc và hấp dẫn người ưa du lịch khám phá bởi cảnh sắc, con người, văn hóa bản địa và những cung đường tuần biên hun hút nắng gió. Đến nơi này, du khách được thỏa mãn đam mê chinh phục các cột mốc cheo leo trên các đỉnh núi cao. Những cột mốc chính không nên bỏ qua gồm 1.297, 1.300, 1.305 và 1.327, trong đó, mốc 1.305 là thử thách lớn nhất trong hành trình, nằm trên đỉnh núi cao nhất của huyện Bình Liêu. Có thể nhiều người từng chạm tới phần lớn các điểm mốc trên cung đường gần 45 km, phân định biên giới hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, nhưng có lẽ điểm mốc 1.305 vẫn là giới hạn thử thách không dễ vượt qua.

Khi chạm tới cột mốc 1.305 nghĩa là đã chinh phục dãy núi Mã Thông Thuận, được mệnh danh là “sống lưng khủng long”. Điểm xuất phát nằm trên đường tuần biên, cách cửa khẩu Hoành Mô chừng 17 km, hướng về phía Đình Lập (Lạng Sơn). Từ đây, du khách sẽ vượt qua cung đường dài hơn hai km, từ độ cao 639 m lên đến đỉnh mốc là 1.128 m.

Chinh phục “sống lưng khủng long” là cảm giác được đi trên lưng chừng trời, giữa bao la mây ngàn và trập trùng núi non kỳ vĩ. Theo kinh nghiệm của người bản địa, đứng trên đỉnh cao này mùa nào cũng được tận hưởng vẻ đẹp của non nước hữu tình. Mùa hè là những thảm cỏ mênh mông xanh ngăn ngắt theo các dãy núi chạy tới chân trời. Mùa thu cỏ chuyển mầu vàng cháy. Suốt đường leo, nhiều đoạn lau, trúc rợp lối lên.

Mùa này, đi trên con đường cheo leo trong cái gió lạnh đầu mùa thổi ràn rạt như muốn giật tung mọi thứ khỏi tầm tay, cảm giác vượt qua chính mình thêm hối thúc những bước chân tiến về phía trước. Càng lên cao, gió càng lớn khiến những dáng người xiêu vẹo theo con đường ngược lên đỉnh núi, trong làn sương dày đặc, đôi lúc mù quá thành mưa. Thi thoảng, gió mạnh đẩy những tảng mây dày trôi xa, ló ra những tia nắng đẹp, khiến các tay máy tranh thủ bấm liên hồi để bắt được những khoảnh khắc thiên nhiên tuyệt mỹ. Sự thất thường của tiết trời khiến người leo thêm phần thở dốc, nhưng không ngăn được những bước chân háo hức đến được đỉnh cao. Sau gần hai giờ vượt núi, du khách sẽ chạm tới điểm mốc 1.305 nằm giữa hai triền dốc thoải, điểm cuối của hành trình. Trên đỉnh cao lộng gió, gặp khi trời trong có thể bao trong tầm ngắm hình ảnh dãy núi hùng vĩ tựa dáng con khủng long khổng lồ, uốn lượn trong tầng không.

Đi là sẽ đến. Đến để được ôm vào lòng phiến đá, một mặt khắc dòng chữ Việt Nam, trên ranh giới thiêng liêng thấy thêm tự hào về chủ quyền biên cương của Tổ quốc.