Cầm trên tay giấy báo đỗ đại học chưa kịp vui mừng thì đã là những nỗi lo. Cô Lê Thị Thương nhớ lại: “Em còn nhớ vào tháng 9-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157 cho HSSV vay vốn đúng vào lúc gia đình em tưởng như khó khăn cùng cực không thể lo cho chúng em ăn học”.
Con thi đỗ đại học nhưng bố mẹ cô lúc đó không đủ điều kiện kinh tế để cho con theo học, chị gái của Thương phải nghỉ học từ năm lớp 9 để giúp việc gia đình. Chính vì vậy, với những đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cô sinh viên nghèo Lê Thị Thương đã vượt qua bốn năm đại học và nay trở thành cô giáo dạy tiếng Anh ở thị trấn Như Thanh, Thanh Hóa.
Chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 1998. Tuy vậy, sau hơn chín năm tổ chức thực hiện, chương trình mới cho vay được gần 100 nghìn HSSV với tổng dư nợ là 290 tỷ đồng. Chương trình này chỉ thật sự trở thành chương trình tín dụng lớn, đi vào cuộc sống khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 -9-2007 về tín dụng đối với HSSV. Với Quyết định này, đối tượng vay vốn đã được mở rộng hơn, mức cho vay được nâng lên, lãi suất cho vay của chương trình được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp hơn với thực tế trong từng thời kỳ. Trong thời gian đang theo học tại các cơ sở đào tạo và tối đa một năm sau khi ra trường thì người vay chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay.
Đã có hơn ba triệu lượt HSSV được vay vốn trong vòng năm năm vừa qua. Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết, đến nay có khoảng 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho hơn 2,3 triệu HSSV đi học với tổng dư nợ gần 36.000 tỷ đồng. Có thể nói, chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội to lớn, thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Một trong những mục tiêu của chương trình là HSSV ra trường có việc làm bảo đảm trả nợ để có nguồn vốn tiếp tục cho vay quay vòng, tạo cơ hội cho nhiều thế hệ HSSV được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước.
Theo báo cáo của NHCSXH, Chương trình tín dụng HSSV là một chương trình đạt hiệu quả cao, nợ quá hạn thấp dưới 1% (tỷ lệ quá hạn đến hết năm 2012 là 0,47%). Việc xã hội hóa chương trình tín dụng đối với HSSV đã tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu được rủi ro, phát huy được vai trò trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình, dòng tộc và của HSSV - người trực tiếp sử dụng vốn vay. Vì vậy, gia đình các HSSV vay vốn có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ gia đình để trả nợ khi đến hạn.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần được quan tâm đối với chương trình đó là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm còn ở mức thấp, khoảng 70% đối với trường công lập, tỷ lệ ở các trường ngoài công lập còn thấp hơn. Các HSSV vay vốn lo ngại mặc dù ngân hàng có cho tối đa 12 tháng để tìm việc làm nhưng thời gian trả nợ còn ngắn, số tiền phải trả bình quân theo phân kỳ tháng, quý cao, trong khi mức tiền lương của sinh viên mới ra trường trình độ đại học hiện nay thì còn thấp.
Như vậy, khả năng trả nợ vẫn còn là gánh nặng đối với nhiều sinh viên và gia đình các em.
Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường đại học, cao đẳng tư vấn việc làm cho sinh viên, phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm việc, đào tạo kỹ năng nghề và tiếp nhận sinh viên khi ra trường. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các cấp cũng cần có những chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút những HSSV quay trở lại địa phương làm việc.
Theo ý kiến của các chuyên gia, chính sách cho HSSV vay vốn cũng cần có những định hướng trong việc xóa bỏ tâm lý học lấy bằng, thiếu định hướng nghề nghiệp như hiện nay. Chương trình cho vay đối với HSSV có thể thiết kế một cách linh hoạt như việc cho vay lãi suất ưu đãi hơn đối với một số ngành học cần khuyến khích hay các khóa đào tạo nghề có bảo đảm bằng việc làm sau khi học hoặc gia hạn thời hạn trả nợ cho một số ngành có tính chất đặc thù...
NHCSXH đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hằng năm, phấn đấu ”không để một HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học» theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu giai đoạn 5 năm 2013 - 2017, dự kiến tổng nguồn vốn chương trình khoảng 45.000 tỷ đồng.
* Một trong những mục tiêu của chương trình là HSSV ra trường có việc làm bảo đảm trả nợ để có nguồn vốn tiếp tục cho vay quay vòng, tạo cơ hội cho nhiều thế hệ HSSV được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước. |