Quá nhiều phương thức xét tuyển
Năm nay là năm đầu tiên áp dụng công nghệ thông tin trực tuyến hoàn toàn vào công tác tuyển sinh cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải nhiều lần gia hạn các mốc thời gian để thí sinh điều chỉnh, sửa đổi thông tin cũng như thực hiện các bước xác nhận số lượng và thứ tự ưu tiên nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển.
Thí sinh chưa nộp lệ phí tuyển sinh cũng không bị mất cơ hội xét tuyển, do hệ thống thanh toán lệ phí tuyển sinh được mở lại tới lần thứ ba; và sau ba ngày vận hành hệ thống lọc ảo nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục điều chỉnh lại quy định để tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nhầm tổ hợp, phương thức xét tuyển có thể được điều chỉnh lại. Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc cảm thán trên trang cá nhân rằng, chưa có khóa nào mà lại được Bộ yêu chiều như thế. Thực tế sau một thời gian triển khai, nhiều trường hợp thí sinh lên tiếng “kêu cứu” vì sai sót khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Cho nên suy cho cùng đó là giải pháp của Bộ nhằm hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các thí sinh trong điều kiện hiện tại.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay cho thấy nhiều sự thay đổi: lần đầu tiên các trường đại học phải lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển, lần đầu tiên thí sinh được đăng ký nguyện vọng trực tuyến kéo dài 30 ngày và cũng là lần đầu có tới gần 35% thí sinh không tham gia xét tuyển đại học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá cao quy chế trao quyền tối đa cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng là hướng đi đúng đắn. Những năm trước, nhà trường yêu cầu thí sinh trúng tuyển bằng các hình thức xét tuyển sớm phải xác nhận nhập học bằng cách nộp hồ sơ gốc dẫn đến tình trạng nếu đã trúng tuyển sớm đồng nghĩa với việc mất quyền xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tình trạng tiếc nuối, không thật sự thỏa mãn khi lựa chọn ngành học, trường học của thí sinh trúng tuyển sớm đã được khắc phục trong năm nay. Ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển trên nền tảng số từng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhưng hầu hết các trường đã xét tuyển ổn thỏa. Số thí sinh trúng tuyển tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh. Đã tới lúc các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung nhiều hơn để đưa ra các phương án tuyển sinh nâng cao chất lượng chứ không chỉ đặt mục tiêu về số lượng.
Việc đa dạng các phương thức xét tuyển nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho người học tuy nhiên lại đang khiến một số thí sinh lúng túng trong đăng ký nguyện vọng. Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng, băn khoăn về vấn đề chọn ngành, chọn trường, cũng như cách sắp xếp nguyện vọng theo quy chế mới để tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Trên thực tế, mặt tích cực của việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là giúp các thí sinh có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, nhiều cơ hội đỗ vào trường mong muốn. Tuy nhiên, việc làm này cũng có mặt tiêu cực, bởi khi học sinh chưa xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, dễ bị phân tán thời gian và sức lực...
Cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường
Tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì diễn ra vào ngày 12/9, công tác tuyển sinh là một trong những nội dung được đề cập đến nhiều nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo “phàn nàn” vì một số trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và cả hệ thống.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn khẳng định, việc hoàn thiện phương thức tuyển sinh vẫn theo nguyên tắc không phức tạp hóa để tạo thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, các trường đại học lại bị rơi vào thế khó. Công tác tuyển sinh đại học năm nay khiến cả phụ huynh, học sinh, thậm chí giáo viên cũng bối rối, hồi hộp đến phút chót vì nhiều thay đổi và điều chỉnh. Điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay là thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký trực tuyến lên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chọn ngành học, phương thức đã trúng tuyển xếp ở nguyện vọng 1. Bên cạnh mã tổ hợp còn có 20 mã phương thức xét tuyển nên thí sinh cần phải nhập liệu chính xác mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển.
Cụ thể, theo phương thức xét tuyển sớm, trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2, 3 nguyện vọng. Con số thống kê cho thấy, có 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, nhưng chỉ 35% thí sinh đăng ký nguyện vọng 1; 30% thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác không phải nguyện vọng 1, 35% không đăng ký vào nguyện vọng xét tuyển sớm nào. Do đó, nếu các trường yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như những năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao. Vì thế cho nên mọi phương thức xét tuyển đều đưa lên hệ thống lọc ảo chung.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quyết định tỉ lệ thí sinh trúng tuyển không ai có thể lường trước hay tính thay trường được. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tôn trọng quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học được quy định tại Luật Giáo dục đại học. Những năm tới, công tác tuyển sinh cần đẩy mạnh hơn nữa tính phân cấp, trách nhiệm chủ động trong tuyển sinh , tiếp tục hoàn thiện và phát huy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đánh giá việc tuyển sinh năm học 2021-2022 “đã thực hiện tốt nhất so với nhiều năm gần đây”. Đây là năm thử nghiệm đăng ký xét tuyển trực tuyến cho kết quả tốt, là tiền đề để triển khai 100% cho tuyển sinh năm học 2022-2023.
Mới đây một số trường đại học y, dược đề xuất, bày tỏ mong muốn được tổ chức tuyển sinh riêng trong những năm tới đây thay bằng tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.
Chị Hà Nguyễn (Bắc Ninh) có con gái năm nay trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội theo phương thức xét tuyển học bạ, nhận giấy báo trúng tuyển từ đầu học kỳ hai năm cuối cấp, chỉ đợi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT là nhập học. Điều đầu tiên chị Hà lo là tìm nhà thuê cho con. Nhập học muộn hơn so với những năm trước, mất oan mấy tháng tiền nhà, chị Hà chia sẻ: nào ai biết năm nay kỳ tuyển sinh lại dài đến vậy. Tuy nhiên bù lại, mẹ con chị có khoảng thời gian xả hơi sau những bận rộn lo lắng học hành.
Rồi sẽ khép lại một mùa tuyển sinh nhiều thay đổi, nhiều lo lắng. Dẫu cho kế hoạch hoạt động năm học của các trường đại học năm nay có bị xáo trộn, thay đổi ít nhiều, nhưng rốt cuộc đều thu xếp ổn thỏa. Rồi đây, những sự cố, những câu chuyện như thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học, gia đình thuê xe cấp cứu để kịp nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh bị điểm liệt được nâng thành thủ khoa... sẽ thành giai thoại về sự học hành thi cử của một thời đoạn trong quá khứ.