Truy tận gốc, cắt cả ngọn

|

NDO - Liên tục từ đầu năm 2012 đến nay, Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm trên tuyến quốc lộ với số lượng lớn. Nguồn hàng này chủ yếu là từ Thái-lan, Lào vận chuyển vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

NHỮNG LÔ HÀNG VÔ CHỦ

Ngày 4-9, trên quốc lộ 8A, địa phận xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đội trinh sát Phòng PC 49, Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ một vụ vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm có số lượng lớn nhất từ trước tới nay với 119 con tê tê, có trọng lượng hơn 424 kg, đáng nói hơn, có bốn cá thể hổ con đang còn sống. Hai đối tượng lái xe thực hiện vụ vận chuyển là Hồ Sỹ Hạnh (SN 1976), ở Quỳnh Lưu, Nghệ An và Bùi Văn Mười (SN 1979), ở Yên Thành, Nghệ An đã khai nhận chở thuê cho một người không quen biết ra Hà Nội để tiêu thụ.

Tiếp đó, khoảng 22 giờ ngày 22-10, tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, đội chống buôn lậu Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Tĩnh và lực lượng hải quan cùng biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát hiện một xe ô-tô có dấu hiệu nghi vấn. Lợi dụng đêm tối, lại trên địa bàn rừng núi hoang vu, các đối tượng dừng xe sau đó bỏ chạy thoát thân, để lại chiếc xe bảy chỗ và tang vật, gồm 39 con tê tê và 17 con kỳ đà, tổng cộng hơn 400 kg.

Trao đổi về các vụ việc trên, đại úy Đặng Quang Niềm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an Hà Tĩnh cho biết thêm, năm 2012 là năm ngành chức năng bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm nhất và có số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Thực trạng này cho thấy nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác đấu tranh với các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm. Qua đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, công an nhận định, các nguồn hàng chủ yếu từ Thái-lan và Lào đưa về Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Từ hình thức thuê người dân mang vác hàng qua biên giới rồi gom hàng tập kết, từ đó thuê các loại xe ô-tô đắt tiền để chở, thay đổi biển số giả thường xuyên, hoặc dùng xe máy phân khối lớn hỗ trợ trên đường nếu bị phát hiện. Riêng vụ vận chuyển 424 kg tê tê và bốn cá thể hổ con, cơ quan công an cũng tịch thu được nhiều biển số giả. Đây đều là những biển số công vụ hoặc biển số dân sự ở nhiều tỉnh thành để che mắt ngành chức năng. Khó khăn lớn nhất của các lực lượng là quá trình đấu tranh với các đối tượng vận chuyển mất rất nhiều thời gian nhưng hiệu quả không cao khi không bắt được các đối tượng đầu nậu mà chỉ bắt được đối tượng trung gian vận chuyển. Bởi những đầu nậu buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm không bao giờ lộ diện. Vì vậy, có thể gọi số hàng bắt được nói trên là hàng vô chủ. Mà khi bị phát hiện, chủ thực của lô hàng thường “bỏ của chạy lấy người”.

“Mặc dầu bắt giữ được số lượng lớn động vật hoang dã,nhưng thực ra, chúng tôi mới chỉ cắt được phần ngọn, mà không giải quyết được phần gốc.” Đại úy Đặng Quang Niềm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi truờng, Công an Hà Tĩnh nhấn mạnh.

ĐÂU LÀ GỐC RỄ?

Qua đánh giá thực trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm trên địa bàn Hà Tĩnh, có thể nhận thấy, đây cũng là địa điểm trung chuyển của tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã do lợi thế có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, quốc lộ 8A. Bên cạnh đó, nguồn cầu tiêu thụ rất lớn khiến cho những đối tượng đầu nậu hám lợi, bất chấp pháp luật.

Có cầu ắt hẳn sẽ có cung. Việc giết hại động vật hoang dã, quý hiếm để phục vụ nhu cầu của con người không còn là điều lạ lẫm. Lên Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh không khó tìm được cháo khỉ, ăn thịt lợn rừng, cầy hương... Không nghi ngờ gì nữa, động vật hoang dã đang ngày càng trở thành món đặc sản cao cấp, ở những nơi phồn hoa thị thành, nơi nhiều người sẵn sàng trả tiền triệu, chục triệu cho một bữa ăn.

Chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe. Vừa qua, Công an Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố hình sự đối với bị can Hồ Sỹ Hạnh do nhận vận chuyển hổ con. Đối tượng còn lại là Bùi Văn Mười chỉ bị xử phạt hành chính. Sở dĩ như vậy là theo quy định của Nghị định 99/2009/ NĐ-CP của Chính phủ về chế tài xử phạt trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, chỉ những cá thể nhóm 1b thuộc loại nguy cấp, quý hiếm, mới bị xử lý hình sự. Còn theo Nghị định 99 về chế tài xử phạt, dẫu có bắt được số lượng lớn tê tê, cũng chỉ bị xử phạt hành chính cao nhất đến 500 triệu đồng. Đây ắt hẳn cũng là nguyên nhân sâu xa để các đầu nậu không chỉ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người khi bị phát hiện, mà còn bất chấp tất cả để có thể vận chuyển hàng.