Cơ hội chia đều cho tất cả

|

Thành lệ, chừng ba hoặc 5 năm tùy điều kiện cụ thể, các cuộc thi tài năng dành cho giới nghệ thuật biểu diễn lại tuần tự tiến hành. Cả ca-múa-nhạc, sân khấu kịch nói-tuồng-chèo-cải lương-dân ca kịch, rồi xiếc, múa rối; từ diễn viên đến đạo diễn đều có cơ hội thể hiện năng lực cá nhân của mình. Thực tế đã chứng minh, sân khấu chính thống của các cuộc thi tài năng như thế là điểm tựa cho sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ sẵn cá tính.

Ðiểm tựa cho tài năng

Không gì thuận lợi hơn và cũng hưng phấn hơn, được biểu diễn, được thể hiện tố chất nghệ sĩ trước đồng nghiệp, bạn nghề các thế hệ, trước một ban giám khảo có bề dày chuyên môn và cả một lượng khán giả hồn hậu, thực lòng yêu nghệ thuật. Gần 20 năm trước, Liên hoan Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu quần tụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm nền cho hai đạo diễn cải lương, đang là trụ cột của sân khấu cải lương bắc đương thời: Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên. Dù thời điểm này cả hai nghệ sĩ đều đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và ghi danh mình bằng nhiều thêm những vở diễn xuất sắc, thì, Hoàng Quỳnh Mai với Cung phi Điểm Bích, Triệu Trung Kiên với Dấu ấn giao thời của kỳ thi tài năng năm 2007 vẫn lưu dấu trong trí nhớ người xem hơn cả. Thời điểm đó, năm 2007, cuộc thi còn giới thiệu gương mặt rất trẻ Lý Khắc Linh (giờ cũng đã thành gạo cội), Thái Hòa (trở thành "vua phòng vé" của nhiều bộ phim điện ảnh ăn khách), Trần Hoàng Mai… nữ Nghệ sĩ Nhân dân hội tụ cả thanh lẫn sắc của sân khấu chèo Hải Phòng… Sân khấu của hội thi đúng nghĩa đã mở rộng thêm chân trời cho các tài năng bay cao, bay xa…

Trở thành thương hiệu của VTV, Liên hoan tiếng hát truyền hình - giải Sao Mai đã đem lại cho sân khấu ca nhạc, nhất là ở dòng dân gian nhiều ngôi sao sáng giá. Trọng Tấn, rồi Anh Thơ, Lan Anh, Tân Nhàn, Phạm Phương Thảo… đều ra mắt công chúng rộng rãi tại Liên hoan tiếng hát truyền hình VTV. Divo nhạc Việt- Tùng Dương là niềm tự hào của cuộc thi Sao Mai- Điểm hẹn đình đám trong thập niên đầu tiên thế kỷ 21. Mỗi cuộc thi của giới nghệ thuật biểu diễn, hay vài cuộc thi mới bắt sáng được một gương mặt như Tùng Dương đã đủ với kỳ vọng. Tài năng nghệ thuật trước hết phải là năng khiếu trời cho nên dù có chiêu trò hay công nghệ lăng xê gì đi nữa, thì trụ lại được trước sự đào thải vô tình của thời gian đều quá xứng đáng…

Cơ hội cho khán giả

Các phóng viên từng được "phân vai ký giả kịch trường", khăn gói ba-lô theo các liên hoan, hội diễn, các cuộc thi tài năng ròng rã chục ngày trời đều đã tận mắt chứng kiến sự cuồng nhiệt cổ vũ của khán giả, nhất là tại các địa phương ngoài Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đành rằng ban tổ chức luôn phát vé mời, xem miễn phí, nhưng quan trọng hơn chính không khí lễ hội, sự tập hợp một lượng lớn các nghệ sĩ, sự quảng bá nồng nhiệt của ban tổ chức và trên hết, sự đầu tư kỹ lưỡng, dồn hết tâm huyết vào một vở diễn, có khi chỉ một trích đoạn mươi mười lăm phút… của các nghệ sĩ, mới đủ sức cám dỗ, níu chân người xem. Nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ biểu diễn có cơ hội bung tỏa hết mình, bộc lộ hết năng lượng sáng tạo… trong các tiết mục dự thi. Công chúng (may mắn) được thụ hưởng những khoảnh khắc xuất thần đó của các nghệ sĩ. Ngay cả những nghệ sĩ rất, rất nổi tiếng như NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Hoài Linh… thường ngày được (bị) người xem nhận diện bằng những vai diễn chọc cười hay những tiểu phẩm tấu hài và đôi khi nhận về những tiếng chê… dễ dãi. Cũng là Xuân Hinh ấy, Hoài Linh ấy, hiện diện trên sân khấu của các liên hoan, hội diễn, tham gia thi hay hỗ trợ đồng nghiệp, họ thoắt nhiên biến đổi. Xem Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh tung hứng ở vai cu Sứt trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, hay nhìn cái dáng nhỏ thó của Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh vào vai ông Tư trong một trích đoạn vở diễn đã thành niềm tự hào của sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh- Dạ cổ hoài lang tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, mới thấu hiểu: Tại sao họ được yêu mến đến vậy. Ở một sân khấu nhà nghề, những nghệ sĩ có lượng fan đông đảo cỡ Hoài Linh, Xuân Hinh vẫn tự nguyện "đốt cháy" mình, thì đấy chính là cơ hội của người xem, cơ hội của sân khấu. NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từng chia sẻ rằng: ngồi ghế giám khảo các cuộc thi tài năng ông luôn hạnh phúc khi được dõi theo những khoảnh khắc xuất thần của các đồng nghiệp trẻ.

Dẫu mưa huy chương, cũng giải được cơn khát

Ba hay 5 năm "đến hẹn lại lên" một kỳ thi tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hay hai năm một lần, cuộc thi Sao Mai của VTV…, có là ngắn hay dài cũng không thỏa mãn được nỗi chờ mong… đến lượt của các thí sinh xếp hàng chờ. Tổ chức thi tài năng cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nghệ thuật biểu diễn thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi cuộc thi, mỗi kỳ liên hoan, thông thường các huy chương, giải thưởng được trao với số lượng không hề nhỏ, và dư luận đã luôn lao xao về những trận "mưa huy chương". Có huy chương là niềm vui tại chỗ của những người được nhận, ngoài ra còn là căn cứ để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú về sau nên giành được huy chương cũng là tính toán thực tiễn của mỗi cá nhân. Các đơn vị đảm lãnh trách nhiệm tổ chức, khi xây dựng quy chế chấm và tặng giải, đã luôn nệ tình, đắn đo trước sau để bảo đảm quyền lợi, tránh thiệt thòi đối với những người ứng thí…

Nghệ thuật biểu diễn, nhất là các loại hình sân khấu truyền thống, kể cả kịch nói đã triền miên trong những thập niên khó khăn, mà khó nhất chính là sự thiếu vắng khán giả. Mở cuộc thi để tìm kiếm, lựa chọn tài năng, rồi kiếm tìm thêm vở diễn, vai diễn, thêm những sân khấu biểu diễn… cho các tài năng trở thành ngôi sao, thu hút trở lại công chúng…, nếu thành công sẽ là cuộc đầu tư không hề lãng phí. Tùng Dương, Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai, Lý Khắc Linh… những ngôi sao trên sân khấu của họ, đi ra từ các cuộc thi, là thí dụ sinh động để tin, để hy vọng vào những cuộc thi tài năng cứ đến hẹn lại lên…