Chuyện của Bung Trần

|

Đó là một người luôn biết cách tự nhạo mình ở mức thượng thừa, là người biết kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp giỏi đến mức khiến người ta nghĩ Bung sinh ra như là để làm việc đó vậy. Nhưng hơn hết, Bung luôn là người đồng hành đáng tin của những ai đang khát khao cống hiến và sáng tạo.

Người truyền năng lượng tích cực trên mạng xã hội

“... Khởi đầu năm 2024 bằng kết thúc khóa đào tạo 25 giáo viên để triển khai trường học số Google tại huyện đảo Cần Giờ. Thầy cô bắt đầu sử dụng Google Bard để hỗ trợ soạn giáo án, tích hợp các công cụ Google và EdTech để làm bài giảng tương tác hơn, cá nhân hóa việc học trên thiết bị, sáng tạo bằng Adobe Firefly. Hứa hẹn 1 năm sôi động ...” (2/1/2023).

“Giao thừa 2023-24... 8 NĂM KÝ TÚC XÁ CỎ MAY. Điều xúc động nhứt ngày cuối năm, là khi 8 thế hệ sinh viên nghèo học giỏi đã được Cỏ May nuôi dưỡng đứng dậy, đặt tay lên ngực và nói lời cám ơn với người doanh nhân tử tế đã đi xa Phạm Văn Bên... Họ đứng cùng nhau, hát bài “Sống như một đóa hoa” (1/1/2023).

“Mỗi năm đến hè là làm trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon. Nhiệm vụ chỉ có đi tìm 100 bạn học sinh con nhà nghèo thiệt nghèo mà siêng học (hông cần học giỏi đâu) rủ đi trại hè cho các bạn mở rộng tầm mắt, hiểu là mình được yêu thương và tha hồ mà hình dung tương lai rộng lớn của mình.” (1/8/2023).

Đó là một vài dòng trạng thái của Facebooker Trần Bung, một cái tên rất quen thuộc với nhiều người trong giới công nghệ, khởi nghiệp-sáng tạo và cả báo giới, nhất là ở TP Hồ Chí Minh.

Khi tham gia kết nối mạng lưới khởi nghiệp - Đổi mới Sáng tạo với tư cách người làm truyền thông ở Sở Khoa học&Công nghệ (KHCN) TP Hồ Chí Minh và cả bây giờ nữa, tôi thường xuyên theo dõi Facebooker Trần Bung vừa để tìm kiếm thông tin về hệ sinh thái này và còn là có thêm năng lượng tích cực mỗi ngày.

Ở đó, thấy Bung hầu như luôn ở trạng thái chuyển động, hăm hở chuyển động để chủ động đồng hành với những ai đang nỗ lực làm điều gì đó “đổi mới & sáng tạo”.

“Bung tên thật là Trần Vũ Nguyên, sinh ở Đà Lạt, ở nhà được mọi người gọi là Bung, chữ Bung trong món bắp bung của Đà Lạt”- Bung bắt đầu lời giới thiệu về mình như thế - “Hiện tại tôi đang đảm nhiệm vai trò master trainer - đào tạo giảng viên ở AI Education - một công ty do tôi đồng sáng lập cùng nhóm bạn thân. Tôi là người Việt Nam đầu tiên làm giảng viên chính thức toàn cầu của Google. Hiện tại, AI Education là đơn vị phân phối các chương trình và sản phẩm giáo dục tốt nhất của Google, Amazon web service cho toàn bộ giáo viên, học sinh ở Việt Nam.

Tôi hay nói về mình với 2 đặc điểm: thứ nhất: Tôi là người kể chuyện đi lạc vào giang hồ kinh doanh; thứ hai: Tôi là người học tập suốt đời. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi là mỗi sáng thức dậy, hào hứng được đi làm, đóng góp việc gì đó có ích cho xã hội”.

Người truyền lửa khởi nghiệp-sáng tạo

Tôi gặp, biết và làm việc cùng nhiều nhất trong khoảng thời gian Bung ở Sihub - một không gian trao đổi ý tưởng, tạo cảm hứng và cơ hội thành công cho những ai khát khao cống hiến, sáng tạo ở TP Hồ Chí Minh. Không phải là người sáng lập ra Sihub nhưng trong năm đầu Bung thực sự là một phần không thể thiếu được của nơi này. Và Sihub đã có tiếng vang, trở thành địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP Hồ Chí Minh - là mô hình kiểu mẫu để nhiều địa phương có thể làm theo. Điều đặc biệt, Sihub là một mô hình do tổ chức Nhà nước lập ra (Sở KHCN TP Hồ Chí Minh) nhưng lại đủ không gian sáng tạo, hấp dẫn để một người như Bung có thể... bung hết mình.

Ở đó, Bung đã tận dụng kiểu làm việc “không tám tiếng” để có thể học hỏi được nhiều thứ.

“Tôi còn có cơ duyên được đảm nhiệm chuyên mục “Nhật ký Đổi mới Sáng tạo” trên Tạp chí Khám phá của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh lúc đó. Tôi viết rất nhiều, vì viết ra là cách hay để mình ghi nhớ và tư duy. Ngày nào cũng có chuyện mới, tôi thỏa được trí tò mò của mình và có cơ hội sử dụng lại sở trường báo chí của mình ở một sân chơi mới. Và điều thú vị là độc giả có vẻ hồ hởi tiếp nhận cách kể chuyện của tôi về một lĩnh vực vốn chẳng “giật gân câu khách” gì cả.

Ở Sihub, tôi có không gian để thử nghiệm một vài sáng kiến của mình. Chẳng hạn như làm thế nào nếu lấy một mô hình IPO cổ phần hóa các start-up, việc trước đó tưởng chừng như không thể, hay “uống bia cùng mentor” - mỗi tối thứ năm hằng tháng mọi người có thể ghé chơi trong một không gian thoải mái để cởi mở lòng mình hơn.

Tất nhiên, ở Sihub, tôi cũng được biết bài học về sự chấp nhận thất bại. Nếu khởi nghiệp-sáng tạo mà không nghĩ đến và chấp nhận thất bại thì đừng bao giờ nghĩ đến thành công. Hiện tại, tôi đang ở giai đoạn hiểu nhiều hơn về bản thân mình, như một đứa con nít đang tự tìm hiểu về mình mỗi ngày. Có rất nhiều thứ ở Sihub tôi có thể làm tốt hơn, nếu có kiến thức như bây giờ. Và tôi cám ơn Sihub vì đã giúp tôi nhận ra mình đã thiếu những gì khi nhìn lại khoảng thời gian ở đó” - Bung nói.

Bung Trần và nhà sưu tập từ điển tiếng Việt Dương Minh Quang với tác phẩm từ điển tiếng Việt đầu tiên của Huỳnh Tịnh Của tại Quy Nhơn.

Người làm thuê số 1 và hành trình “cai nghiện” lương tháng

Trần Vũ Nguyên bắt đầu hành trình kiếm tiền rất sớm khi bị thảy ra chợ đời, buôn thúng bán bưng không thua gì ai, rồi đi làm việc cho một tổ chức từ thiện của Pháp, đi làm... diễn viên múa, đi dạy thêm... trước khi chính thức làm công việc của một nhà báo: dịch bài, viết báo, biên tập và làm thư ký tòa soạn. Với vốn ngoại ngữ kha khá và độ nhạy với công nghệ, internet thời sơ khai, cộng với nhu cầu và năng lực học tập suốt đời, Bung đã có những bước nhảy cóc khá ấn tượng sau khi tốt nghiệp từ Đức trở về như phụ trách đối ngoại của Pepsi, rồi tham gia Hội đồng quản trị và làm Giám đốc kinh doanh của một Công ty tư vấn và sau đó thì chuyển về làm Phó Tổng giám đốc của Vinamit...

Đã có lúc Bung tự thấy mình bị ảnh hưởng bởi tựa sách mình từng viết là Những người làm thuê số 1 ở Việt Nam. Cách đây khoảng hơn chục năm, hầu như lúc nào Bung cũng nhận làm 2-3 công việc cùng một lúc, với mức lương chục nghìn USD.

“Lúc đó bận lắm, tới mức là ngủ mơ còn thấy việc. Thật ra lúc nào tôi cũng làm nhiều. Tôi nghĩ khi sinh ra ai cũng có một trình độ trí não như nhau, nếu mình chăm chỉ hơn và cố gắng bứt phá lên so với mọi người thì mình có cơ hội hơn. Nên lúc nào tôi cũng làm việc gấp đôi người khác. Tôi không có định nghĩa thành công qua số tiền mình kiếm được, nhưng tôi vẫn muốn coi nó là một cái thang đo và để khi không muốn làm việc nữa thì tôi vẫn có tiền để sống...”- anh nói.

Và rồi, Bung lại đột ngột... rẽ ngoặt: rời TP Hồ Chí Minh với công việc và mức thu nhập nhiều người mơ ước để trở về Hội An làm một ông giáo dạy truyền thông ở Đại học Phan Châu Trinh.

“Thời điểm đó, tôi cũng nghĩ đến khái niệm tự do tài chính, tức là không còn phải sấp mặt đi làm thuê để có tiền. Chị biết trên đời này, thứ nghiện nhất là gì không? Không phải là heroin, mà là lương tháng. Tôi cố tránh thứ gây nghiện này.

Thời gian ở Hội An đó là khoảng thời gian rất đẹp và tôi đã trả nợ bản thân mình rất nhiều thứ như là chạy bộ, đi bơi, viết những thứ mình thích và đi Bhutan ngồi thiền hay đi Israel chiêm bái thánh địa. Cơ bản tôi vẫn làm nhiều việc chỉ là... không có thu nhập thôi. Những việc mà tôi làm lúc đó đơn giản vì mình cảm thấy mình có ích, thích thú, còn tiền không phải là lựa chọn nữa”- anh chia sẻ.

Đây cũng là khoảng thời gian Bung bắt đầu giao tiếp với các tổ chức quốc tế sau đó đến Hàn Quốc, Mỹ và Israel để tìm hiểu và học sâu về “Đổi mới sáng tạo”... Sau này, khi trở thành người Việt đầu tiên làm giảng viên chính thức toàn cầu của Google, Bung đã hoàn toàn bước sang một hành trình khác, đó là cống hiến, là cho đi mỗi ngày mà không nghĩ tới việc nhận lại.

“Suốt hai năm đại dịch, tôi đi dạy rất thường xuyên dù công ty đóng cửa, các hoạt động ngừng lại. Dù không có tiền, nhưng ngày nào các bạn trong công ty cũng hỗ trợ để tôi được thực hiện nhiều buổi nói chuyện, lan tỏa đến mọi người. Tôi cứ thế mà làm, tôi nghĩ mình không cần phải tính toán sẽ nhận lại gì sau khi cho đi, chỉ cần thấy mình là người có ích mỗi ngày là đủ”.

“Nhiều khi Bung cũng thấy bực mình ghê lắm khi phải so sánh với bạn bè. Nhiều bạn cũng... thường thường như mình, sao giàu hơn mình đến 50 lần. Nhưng rồi suy nghĩ, mình muốn gì trong cuộc đời này? Mình muốn mỗi ngày thức dậy có vui vẻ không? Tôi cũng chơi với nhiều người trong giới nhà giàu Việt Nam, nhưng không một ai trong họ có hình ảnh mà tôi mong muốn mình sẽ trở thành.

Đôi khi tôi cũng nổi máu tham, nghĩ chuyện bán bất động sản, đi làm chứng khoán... Nhưng sau đó, tôi không thấy vui khi làm những công việc đó...” - Bung nói vậy khi “bị hỏi” sao lại dấn thân với những việc khó mà không dễ nhiều tiền vậy.

Trần Bung hiện đảm nhận nhiều vai trò: Chủ tịch Friends of Ireland - Hội những người bạn kết nối Việt Nam và Ireland; Chủ tịch NEEC - New England Elite Consultants; Nhà sáng lập AI Education; Nhà sáng lập TraquéStudio; Giám đốc Quỹ Tương lai Bến Tre; Giảng viên người Việt chính thức đầu tiên của Google for Education; Tác giả một số tựa sách bán chạy: Những người làm thuê số 1 Việt Nam; Hành trình doanh nghiệp dẫn đầu; Ra đi và mang về; Học khởi nghiệp ở vùng đất hứa; Cẩm nang khởi sự kinh doanh.