Phản hồi loạt bài Hướng tới xuất nhập khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD: Nhiều giải pháp đồng bộ từ chính quyền đến doanh nghiệp

|

Sau khi đăng loạt bài Hướng tới xuất nhập khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD (từ ngày 23-12 đến 26-12-2024), Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia kinh tế, đồng thuận cách đặt vấn đề của báo và nêu các giải pháp để kích thích nền kinh tế phát triển mạnh, thúc đẩy xuất khẩu.

Doanh nghiệp xanh - Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: Tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp

Năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó đoán định, do những xung đột, bất ổn trên thế giới và chính sách bảo hộ thương mại của các nước… Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 12% so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này rất cần sự triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chúng tôi đã đề xuất Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Trong đó có việc thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; xây dựng chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường thực phẩm Halal; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách thực chất... Cùng với đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.

Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM: Trước 30-4-2025, khởi công ít nhất một trung tâm logistics

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 58,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (75%) trong kim ngạch xuất khẩu; cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh sang các nước/vùng lãnh thổ Việt Nam có tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố đã có mặt tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP thành phố năm 2025 lên 2 con số, ngành công thương triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Về vốn, sẽ tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, với chỉ tiêu đặt ra là 700.000 tỷ đồng cho 200.000 doanh nghiệp và khách hàng trong năm 2025, tăng khoảng 10% so với 2024; khẩn trương triển khai chương trình kích cầu; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch, xanh...

Chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; khởi công ít nhất một trung tâm logistics trước ngày 30-4-2025; giải quyết những khó khăn để tiếp cận đất đai cho sản xuất công nghiệp, thúc đẩy kêu gọi đầu tư vào 7 cụm công nghiệp mà thành phố đã thực hiện các quy hoạch; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận lao động, thị trường.

PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM: Doanh nghiệp gia nhập sâu hơn vào thị phần toàn cầu

Để doanh nghiệp có thể gia nhập sâu vào thị phần toàn cầu, trước hết cần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng bằng cách đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu, đặc biệt trong các ngành nông sản, thủy sản, gỗ và hàng tiêu dùng. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia kết hợp tăng cường quảng bá trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả lợi thế thuế suất từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và khu vực Đông Âu để giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Chính quyền cần cải thiện logistics và cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư xây dựng cảng biển, kho bãi và mạng lưới giao thông kết nối để giảm chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả vận chuyển. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cải cách chính sách và thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, minh bạch trong kiểm tra chuyên ngành và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu...

TS HUỲNH THANH ĐIỀN, Đại học Nguyễn Tất Thành: Tăng cường “xanh hóa”, “số hóa”

Trong bối cảnh các chính sách kinh tế mới của Mỹ được thực thi trong nhiệm kỳ tổng thống tới đây, tôi cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam rất lạc quan. Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ, chi phí nhân công hợp lý, vị trí địa lý gần các tuyến thương mại lớn và môi trường chính trị ổn định. Tất cả đều là những yếu tố thu hút FDI. Các mặt hàng như dệt may, da giày, điện tử và nông nghiệp sẽ tiếp tục là những ngành mũi nhọn, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Các ngành như dệt may, điện tử và nông nghiệp được dự báo sẽ bùng nổ về sản lượng và xuất khẩu. Trước đây, dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump, xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng vọt và xu hướng này sẽ tiếp tục dưới nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tận dụng tốt nhất cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phù hợp. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng thay vì chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá; tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia để tận dụng dòng vốn và công nghệ hiện đại. Trong giai đoạn khởi đầu chu kỳ tăng trưởng mới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng “xanh hóa” và “số hóa”. Đây không chỉ là yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU, mà còn là bước đi chiến lược để duy trì sức cạnh tranh dài hạn.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,5 tỷ USD

Ngày 26-12, Bộ NN-PTNT thông tin, ngành nông nghiệp Việt Nam đã lập kỳ tích xuất khẩu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt tới 62,5 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 18,7% so với năm trước.

Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tiếp tục khẳng định vị thế cũng như tiềm năng của nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, xuất siêu của ngành đã đạt mức cao kỷ lục, lên đến 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đây là thành quả của một chiến lược đồng bộ trong phát triển hệ thống logistics, thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường. Trong đó, một trong nỗ lực nổi bật là xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics - nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”. Đề án này được kỳ vọng tiếp tục tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong những năm tới.

VĂN PHÚC

Hướng tới xuất khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD - Bài 1: Năm 2024 - Thành quả ấn tượng