“Hạ chuẩn” nhưng không hạ chất lượng

|

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Dự thảo Nghị quyết cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng ở một số môn học cấp tiểu học và THCS, gồm Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Trên thực tế, tại các địa phương, nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mong muốn được làm giáo viên, nhưng do không đáp ứng quy định về chuẩn trình độ đào tạo nên phải chuyển sang làm việc trái ngành, gây lãng phí nguồn nhân lực. Do đó, đề xuất của Bộ GD-ĐT là tin mừng đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đang dạy hợp đồng thời vụ hoặc làm trái ngành có cơ hội vào ngành. Đề xuất “hạ chuẩn” trong tuyển dụng giáo viên một số môn đáp ứng chương trình GDPT 2018 cũng sẽ gỡ khó cho nhiều địa phương thiếu giáo viên hiện nay.

Với đề xuất này của Bộ GD-ĐT, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong bối cảnh nhiều địa phương thiếu giáo viên và nguồn tuyển, cần thiết áp dụng các giải pháp tình thế, mềm dẻo, linh hoạt, nhưng dĩ nhiên vẫn phải bảo đảm chất lượng. Nếu được Quốc hội chấp thuận, cần có cơ chế xếp lương, vị trí việc làm của những người có bằng cao đẳng được tuyển dụng theo chính sách “hạ chuẩn”, vì đó là quyền, lợi ích chính đáng của đội ngũ này.

Mặt khác, với giáo viên “dưới chuẩn”, sau tuyển dụng phải có điều kiện kèm theo là thử thách về năng lực, nghiệp vụ sư phạm để bảo đảm “hạ chuẩn” nhưng không “hạ chất lượng”. Giáo viên phải bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Sau thời hạn nhất định, nếu không đảm bảo các yếu tố trên thì có thể thay thế. Nhưng để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả, cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà trường.