Phát triển ứng dụng công nghệ phòng chống dịch Covid-19

|

Dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp đầu năm 2021, dù năm qua Việt Nam khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh. Góp phần tích cực kiểm soát dịch bệnh là các ứng dụng công nghệ, như  ứng dụng phòng chống dịch bệnh, ứng dụng học tập trực tuyến… do chính các doanh nghiệp (DN), đơn vị Việt Nam phát triển.\r\n

Đo thân nhiệt tự động, truy vết Bluezone

Từ đầu năm 2020, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã cùng với các DN triển khai nghiên cứu hệ thống công nghệ đo thân nhiệt từ xa, nhằm sàng lọc người nghi mắc Covid-19 tại tòa nhà TMA Building và tòa nhà QTSC Building 1 (thuộc QTSC).

Các bạn trẻ hướng dẫn nhau sử dụng phần mềm theo dõi tình hình dịch Covid-19 bằng app Bluezone. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khi có người tới gần, cổng tự động đo thân nhiệt, nếu vượt quá 37,5°C, hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh. Cổng đo thân nhiệt tự động này được áp dụng tại các tòa nhà, khu vực cách ly cần kiểm soát người ra vào, thay vì phải có người kiểm tra thân nhiệt như hiện nay, giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trước đó, đơn vị này cũng phát triển hệ thống quét khuôn mặt, nếu phát hiện người không đeo khẩu trang, sẽ phát ra âm thanh cảnh báo, nhắc nhở nên sau thời gian hoạt động, QTSC và TMA đã tích hợp cổng đo thân nhiệt tự động và máy kiểm tra đeo khẩu trang.


Hiện nay với phiên bản mới này, kiểm soát việc mang khẩu trang, đo thân nhiệt từ xa và nhận diện khuôn mặt được tích hợp trên một nền tảng duy nhất. Tích hợp nhiều tính năng nhưng máy vẫn đảm bảo tính chính xác cao, gọn nhẹ, dễ dàng lắp đặt sử dụng và hệ thống này cũng đang được ứng dụng ở một số cơ quan, ban ngành. Phía QTSC cho hay, thời gian qua đã đưa hệ thống này ứng dụng nhiều nơi, có đơn vị mua hoặc thuê hệ thống với giá thuê tầm 3,5 triệu đồng/tháng, mua từ 35-70 triệu đồng (tùy tính năng yêu cầu). Hiện QTSC sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu.

Còn ứng dụng Bluezone vẫn phát huy chức năng phát hiện những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 qua smartphone nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém. Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, tiếp xúc lúc nào và trong bao lâu, nhằm giúp người dùng biết và kiểm soát các tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 (F0). Mọi thông tin, vị trí các trường hợp F0 sẽ được cơ quan y tế có thẩm quyền cập nhật liên tục đối với cộng đồng Bluezone. Ứng dụng cũng sẽ ghi nhận những trường hợp tiếp xúc với F0, đưa ra cảnh báo nguy cơ lây nhiễm và tư vấn những cơ sở y tế gần nhất có thể liên hệ.

Ông Trần Việt Hải, Tổng Giám đốc Bkav Electronic, Nhóm phát triển ứng dụng Bluezone cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, rất cần người dân tiếp tục cài ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh, giúp bảo vệ bản thân và gia đình. Càng nhiều người dùng ứng dụng, hiệu quả bảo vệ của ứng dụng sẽ càng cao. Bluezone sẽ bảo vệ cộng đồng hiệu quả khi người dùng đạt trên 60% dân số”.

Không thiếu hệ thống học tập online

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với hệ thống VNPT E-Learning, một ứng dụng để giúp thầy, trò học từ xa. Dùng VNPT E-Learning, giáo viên có thể số hóa tài liệu, học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử. Ứng dụng dạy học từ xa này cũng là công cụ đắc lực để giáo viên theo dõi quá trình học, điểm danh và kiểm tra trực tuyến học sinh. Đối với học sinh, thông qua việc học và làm bài tập, hệ thống sẽ tự động chỉ ra lỗ hổng kiến thức và gợi ý bài học. Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể theo dõi lịch sử tiến trình học để nhắc nhở và giám sát việc học tập của con em mình.

Còn VioEdu, sản phẩm của Tập đoàn FPT, là một trong những hệ thống học trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với hơn 500 video bài giảng sinh động, hơn 100.000 nội dung kiến thức liên tục được bổ sung và kho bài tập thực hành, kiểm tra trực tuyến bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực cho thầy cô, nhà trường, học sinh trong việc ra bài, làm bài và đánh giá chất lượng học tập, VioEdu còn phối hợp với các sở GD-ĐT tập huấn sử dụng hệ thống trong công tác giảng dạy cho hơn 30 trường từ tiểu học đến đại học. VioEdu còn cung cấp thêm các tính năng giúp phụ huynh, nhà trường và giáo viên có thể giao, chấm bài, theo dõi tình hình học tập của học sinh. Bà Mai Lan Anh, đại diện truyền thông FPT, cho biết: “Gần 8.000 trường học đã sử dụng hệ thống để hỗ trợ dạy và học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm ngưng đến trường. Từ đầu tháng 2-2020 đến cuối năm 2020, đã có hơn 10 triệu lượt câu hỏi ôn luyện được thực hành trên hệ thống. Với tình hình dịch bệnh hiện tại, hệ thống đã sẵn sàng kế hoạch học trực tuyến VioEdu cho học sinh, sinh viên”.

Không chỉ vậy, hệ thống ViettelStudy (Viettelstudy.vn) do Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) cung cấp miễn phí, là mạng xã hội học tập trực tuyến duy nhất ở Đông Nam Á. Nguồn học liệu chính thống, chất lượng cao, cập nhật thường xuyên trên hệ thống sẽ đảm bảo được kiến thức giảng dạy, học tập từ xa cho giáo viên, học sinh trong giai đoạn dịch bệnh và tương lai với 11 triệu tài khoản người dùng đến từ 40.000 trường học trên khắp cả nước ở thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, chia sẻ: “Không chỉ đối với lĩnh vực giáo dục, hiện nay Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đã và đang nỗ lực, gấp rút phát triển các giải pháp công nghệ có thể đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý, chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và nhiều lĩnh vực khác”.