Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số

|

Theo Bộ TT-TT, trước làn sóng mạnh mẽ của cách mạng chuyển đổi số, xu hướng phát triển nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số, một số nước đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình. \r\n

10 lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng chính trong nền kinh tế số

Tại Việt Nam, kinh tế số và xã hội số thời gian qua dù phát triển tự phát nhưng tăng trưởng khá nhanh. Sự tăng trưởng nhanh này là do hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin (ICT) khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế của Việt Nam khi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo nghĩa hẹp thì kinh tế số chỉ liên quan đến lĩnh vực ICT; theo nghĩa rộng là những lĩnh vực gần gũi với công nghệ số, như thương mại điện tử, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ. Theo nghĩa rộng nhất, kinh tế số là tất cả các lĩnh vực sử dụng công nghệ số. Kinh tế số là một quá trình tiến hóa lâu dài, là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Ở những mức độ khác nhau, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc, thậm chí đột phá để thay đổi về chất công việc của mình. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững vì sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người hơn. Công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách nông thôn với thành thị; giúp có những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách,…

Bên cạnh những cơ hội, lợi thế, thì kinh tế số và xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp đông nhưng chưa mạnh; các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài… Các cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có chiến lược để định hướng, dẫn dắt của Chính phủ. 

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ TT-TT chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số với yêu cầu hoàn thành trong tháng 8. Việc xây dựng và ban hành chiến lược sẽ là căn cứ để huy động rộng rãi các nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc là rất cần thiết hiện nay.