Tăng cường giải pháp kiểm soát nguồn nước thải

|

TPHCM đang có tốc độ đô thị hóa cao, trong khi hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải sinh hoạt đô thị còn thiếu và yếu. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt chuẩn không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn gián tiếp gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Gần 88% nước thải xả thẳng ra môi trường

Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, lượng nước thải đô thị phát sinh tại TPHCM khoảng 1,5 triệu m3/ngày, tuy nhiên tỷ lệ xử lý chỉ đạt 12,6 %, còn lại 87,4% xả thẳng ra kênh, rạch. Điều này vừa gây ô nhiễm nguồn nước mặt vừa ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Ghi nhận thực tế, những năm gần đây, người dân sống dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; kênh Tân Hóa - Lò Gốm vẫn lo ngại những dòng kênh này tái ô nhiễm do lượng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đổ thẳng ra kênh mỗi ngày. Người dân mong muốn thành phố đẩy nhanh hơn nữa việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải để chấm dứt tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm kênh, rạch, góp phần đảm bảo cho môi trường được xanh, sạch.

Một số quận, huyện cũng cho biết, trên địa bàn vẫn còn trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Theo UBND huyện Bình Chánh, trong năm 2022, huyện đã phối hợp với Ban quản lý khu Nam kiểm tra đối với một số khu dân cư tại xã Bình Hưng về công tác bảo vệ môi trường. Quá trình kiểm tra, huyện đã phát hiện 2 khu dân cư có vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Vận hành xử lý nước thải sinh hoạt đô thị ở Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM

Tương tự, UBND quận 7 cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 dự án nhà ở về lĩnh vực bảo vệ môi trường (có liên quan đến vấn đề xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, không thực hiện một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định) với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trong 5 tháng đầu năm 2023 của Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở TN-MT TPHCM) cho thấy, các chỉ tiêu hàm lượng coliform, clorua, E.coli, amoni, TSS tại nhiều điểm quan trắc không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08-MT:2015/BTNMT). So với năm 2022, các chỉ tiêu tăng bao gồm: độ pH, hàm lượng clorua và nồng độ DO. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu quan trắc trên một số kênh, rạch ở thành phố cũng không đạt quy chuẩn. Chẳng hạn, ở kênh Ba Bò, chỉ tiêu DO, BOD5, COD, NH4+, Coliform không đạt quy chuẩn Việt Nam, mức vượt dao động từ 50% trở lên. Ở kênh Thầy Cai, các chỉ tiêu DO, BOD5, NH4+, Coliform, E.coli cũng không đạt quy chuẩn, mức vượt dao động từ 33,3-100%.

Theo phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường, sở dĩ một số chỉ tiêu không đạt quy chuẩn là do hiện nay tình trạng ô nhiễm kênh, rạch, sông ngòi vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân là do lượng nước thải không được xử lý vẫn xả thẳng ra kênh, rạch, sông ngòi và tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng cũng đang diễn biến khắc nghiệt.

Phải đồng bộ giải pháp

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để xử lý tình trạng ô nhiễm kênh rạch do nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý gây ra, bên cạnh các giải pháp tăng cường thanh, kiểm tra nguồn xả thải; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân trong việc xả thải đúng quy định, thành phố cần xúc tiến, đẩy nhanh hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh, danh mục đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phê duyệt giai đoạn 2020-2021, trên địa bàn quận có đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư ở cư xá Thanh Đa, phường 27; dự án đang triển khai lập hồ sơ xin giấy phép môi trường, trong đó có yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Do đó, trường hợp chủ đầu tư không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung sau khi dự án đi vào vận hành thì sẽ bị xử lý theo quy định. Đối với công tác kiểm tra các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hàng năm, quận cũng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra các khu dân cư, khu đô thị. Quá trình kiểm tra, trường hợp phát hiện vi phạm về thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường như kết quả phân tích mẫu nước thải vượt chuẩn cho phép cũng sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, để kịp thời theo dõi đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nhằm đề ra biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát, thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình quan trắc môi trường và mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường; thường xuyên cung cấp thông tin số liệu quan trắc của trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao.

Ngoài ra, nhằm kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải có lưu lượng lớn, Sở TN-MT cũng yêu cầu các công ty quản lý hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và doanh nghiệp có phát sinh lưu lượng nước thải lớn phải thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được xử lý là 193.350m3 /ngày, đạt tỷ lệ 12,6% (gồm 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất xử lý 141.000m3 /ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất xử lý 30.000m3 /ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn1, công suất xử lý 15.000m3 /ngày) và 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung trong khu dân cư). Hiện nay, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2, công suất 469.000m3 /ngày) đã hoàn thành, đang vận hành thử. Dự kiến tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý năm 2023 là 34%; đến năm 2025, khi hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000m3 /ngày (đã thi công được 27,3%) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 40,2%.