Hà Tĩnh: Doanh nghiệp xin khảo sát vị trí nhận chìm vật chất nạo vét trên biển

|

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản số 475/UBND-NL gửi Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II - VAPCO - liên quan đến kiến nghị khảo sát vị trí nhận chìm vật chất nạo vét trên biển của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.

Một góc vùng biển Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu VAPCO thực hiện các nội dung liên quan theo đúng nội dung đã được Bộ TN-MT phê duyệt điều chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại quyết định số 132/QĐ-BTNMT ngày 15-1-2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng tại văn bản số 3923/BTNMT-TCMT ngày 15-7-2021; chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, các hệ lụy và quy định có liên quan.

Tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Trường hợp dự án bị chậm tiến độ do công ty có nhiều lần thay đổi phương án thực hiện đối với các nội dung liên quan thì công ty phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật và các nội dung đã ký kết.

Một góc vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao các đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn công ty thực hiện theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm, hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự và các sai phạm khác tại dự án.

Trước đó, ngày 13-7-2023, VAPCO có văn bản gửi đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành, địa phương liên quan về việc xin chấp thuận khảo sát vị trí nhận chìm vật chất nạo vét với khối lượng khoảng 3 triệu mét khối, độ dày lớp vật liệu nhận chìm khoảng 3m tại vùng biển Kỳ Anh với diện tích khoảng 100ha, cách bờ biển khu vực gần nhất khoảng 22km, cách khu vực nạo vét khoảng 25km, độ sâu khu vực khảo sát dự kiến 43-44m…

Vị trí đề xuất khảo sát để nhận chìm vật chất nạo vét. Ảnh chụp màn hình văn bản của VAPCO

Về vấn đề trên, tại văn bản số 5171 ngày 6-12-2023 của Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II được Bộ TN-MT phê duyệt ĐTM tại quyết định số 3055/QĐ-BTNMT ngày 8-10-2018, giao khu vực biển diện tích 60,27ha tại quyết định số 691/QĐ-BTNMT ngày 23-3-2023 để xây dựng và vận hành cầu dẫn, cầu cảng, vùng nước trước cầu, cảng và vùng quay trở tàu, hệ thống đường ống lấy nước làm mát, hệ thống đường ống xả nước làm mát.

Quá trình triển khai thực hiện dự án, VAPCO đã xin điều chỉnh phương án đổ vật liệu nạo vét (kênh nhận nước làm mát, kênh xả nước làm mát và khu nước trước bến, khu quay tàu) từ nhận chìm ở biển sang thu hồi toàn bộ khối lượng vật liệu nạo vét để sử dụng làm vật liệu san nền. Việc thay đổi phương án đổ vật liệu nạo vét này đã được Bộ TN-MT phê duyệt điều chỉnh ĐTM và thống nhất điều chỉnh phương án thi công. Thời gian qua, VAPCO đã thực hiện đổ vật liệu nạo vét lên bờ với khối lượng 248.900m3 tại các vị trí đã được chấp thuận.

Do đó đối với nội dung đề nghị của VAPCO, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu VAPCO đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục thực hiện thu hồi toàn bộ khối lượng vật liệu nạo vét từ kênh nhận nước làm mát, kênh xả nước làm mát và khu nước trước bến, khu quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II bằng biện pháp thi công phù hợp để sử dụng làm vật liệu san nền đưa lên khu vực bãi đổ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo như nội dung đã được Bộ TN-MT phê duyệt điều chỉnh ĐTM tại Quyết định số 132/QĐ-BTNMT và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng tại Văn bản số 3923/BTNMT-TCMT…

Một góc vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Ngày 22-1-2024, Bộ NN-PTNT có văn bản số 645 phúc đáp gửi Bộ TN-MT. Trong văn bản, Bộ NN-PTNT đã có ý kiến: Vị trí khu vực biển này đã từng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016; hoạt động nạo vét, nhận chìm có thể làm phát tán vật, chất tích tụ trong trầm tích, gây ô nhiễm môi trường nước biển xung quanh, làm suy thoái đa dạng sinh học, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản. Do vậy, việc triển khai dự án nạo vét và nhận chìm cần hết sức thận trọng để tránh những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản tại khu vực này.

Lân cận khu vực đề nghị cấp phép nhận chìm có các khu vực quy hoạch vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn (vùng ven biển Cẩm Xuyên cách 18,5 hải lý về phía Tây Bắc, vùng biển Kỳ Anh cách 9,7 hải lý về phía Tây Nam, vùng biển Quảng Trạch cách 20 hải lý về phía Nam). Ngoài ra, xung quanh khu vực biển đề nghị cấp phép để nhận chìm vật, chất nạo vét (thành phần vật, chất nạo vét và nhận chìm chủ yếu là sét, bùn chiếm 41,1%; cát chiếm 57,2% và sỏi hạt nhỏ chiếm 1,7%) của VAPCO có một số hộ dân địa phương làm nghề khai thác thủy sản quy mô nhỏ, ven bờ…

Văn bản của Bộ NN-PTNT nêu: Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển để nhận chìm của VAPCO, đề nghị Bộ TN-MT yêu cầu chủ dự án tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về thủy sản; thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, nguồn lợi thủy sản, sinh kế của cộng đồng ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Đề nghị Bộ TN-MT giám sát chặt chẽ trước, trong và sau quá trình triển khai hoạt động nhận chìm; công ty chịu trách nhiệm nhận chìm theo phương án được Bộ TN-MT phê duyệt; đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản…