Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực môi trường

|

UBND TPHCM yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan công tác bảo vệ môi trường. UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước UBND TP đối với tình trạng phát sinh các điểm ô nhiễm trên địa bàn.

Người dân dọn rác tại tuyến đường Phạm Thị Trâm thuộc ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” năm 2024.

Kế hoạch đặt mục tiêu duy trì những giải pháp được đánh giá đạt hiệu quả để triển khai thực hiện Cuộc vận động, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn thành phố.

Đề xuất các giải pháp triển khai nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong năm 2023 để việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đạt hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2022 – 2025.

Cụ thể, các chỉ tiêu chưa đạt được trong năm 2023 gồm: vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện ký cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động, thành lập hợp tác xã/doanh nghiệp/tổ chức có tư cách pháp nhân. Bên cạnh đó, phấn đấu và duy trì tỷ lệ 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải được giải quyết, không để tái phát sinh và phát sinh thêm điểm ô nhiễm, tăng tỷ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng.

Các chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn năm 2024 - 2025 gồm: phấn đấu 80% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 80% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành; 100% khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch.

Bên cạnh đó, tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; 95% phường - xã - thị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.

Sở TN-MT chủ trì tổ chức các sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường cấp TP, xây dựng tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường, tuyên dương và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường.

Sở VH-TT tiếp tục triển khai, lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện lối sống xanh, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, không xả chất thải, chất thải nhựa ở trong và xung quanh khu vực tổ chức hoạt động, lễ hội, sự kiện....

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MMTQ Việt Nam TPHCM và các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, đánh giá, lựa chọn, tham mưu UBND TP công nhận các đơn vị đạt tiêu chí “khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh” và “Phường - xã - thị trấn sạch”, “Phường - xã - thị trấn sạch và xanh” và “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường” cấp TP.

Còn UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện được yêu cầu đặt trọng tâm thực hiện Cuộc vận động trong năm 2024, khắc phục những nội dung chưa thực hiện được trong năm 2023; quan tâm, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ.

Trong đó, rà soát, giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan công tác bảo vệ môi trường. UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước UBND TP đối với tình trạng phát sinh các điểm ô nhiễm trên địa bàn.

UBND TPHCM đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp cùng chính quyền các cấp vận động nhân dân thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo nâng cao hiệu quả các chương trình, cuộc vận động. Đồng thời, chủ trì xây dựng 1.000 khu dân cư sạch, xanh và thân thiện môi trường theo Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Nhiều “thuốc” nhưng rác vẫn ra đường

Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh