Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học biển khu vực miền Trung - Tây Nguyên

|

Ngày 26 và 27-7, tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng diễn ra Hội thảo quốc tế “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V”, với chủ đề “Bảo tồn biển”.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo thu hút hơn 120 đại biểu trong nước và quốc tế cùng thảo luận về các vấn đề chính: Chú trọng quy hoạch không gian phát triển biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; Quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu bảo vệ lãnh hải và chiến lược phát triển kinh tế biển; Cần xem trọng nông nghiệp - ngư nghiệp đúng bản chất của một ngành kinh tế quan trọng; Phát triển du lịch đúng bản chất là ngành kinh tế kết nối; xác định “vạch đỏ bảo vệ sinh thái” và quyết tâm gìn giữ; Kiên trì thực hiện đúng từ nguyên lý đối với các khu bảo tồn biển để phát triển kinh tế biển.

Theo báo cáo, miền Trung có 14 tỉnh, thành phố giáp biển với bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260km); là khu vực tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, có nhiều bãi biển, vùng biển và đảo rất đẹp, cùng hệ sinh thái đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, giao thông vận tải. Biển khu vực miền Trung có vùng thềm lục địa, ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản rộng lớn, với nhiều khu bảo tồn biển có giá trị.

Những năm qua, ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD.

Hội thảo thu hút hơn 120 đại biểu tham dự

Biển được xem là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân ven biển. Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc cho biết, bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng đang còn nhiều hạn chế và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất giữa các địa phương; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc phát biểu tại hội thảo

Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người, như: Khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tác động do đô thị hóa nhanh, khai thác vùng ven bờ quá mức…

Vì vậy, hội thảo là diễn đàn để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn biển được đồng bộ và hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn.

Qua đó, cùng chung tay hành động để hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Quyết định số 389/QĐ-TTg và những cam kết quan trọng của Việt Nam với quốc tế liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững, như thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; cam kết “phát thải ròng bằng zero” vào năm 2050; tham gia Liên minh Đại dương toàn cầu để bảo vệ ít nhất 30% đại dương thế giới vào năm 2030 thông qua một mạng lưới các Khu bảo tồn biển; cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.