Tiền Giang: Thêm một mỏ cát phục vụ thi công đường Vành đai 3 TPHCM được phê duyệt kết quả đánh giá tác động môi trường

|

Ngày 2-11, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Đầu tư khai thác mỏ cát san lấp Hòa Hưng - 4, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là mỏ cát cung cấp khoảng 6,6 triệu m³ cát cho Dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

UBND tỉnh Tiền Giang quy định thời gian được phép hoạt động khai thác cát trong ngày từ 7 giờ đến 17 giờ, không được khai thác ban đêm

Dự án Đầu tư khai thác mỏ cát san lấp Hòa Hưng - 4 do Công ty cổ phần Hoàng Hải thực hiện.

Khu vực khai thác nằm trong lòng sông Tiền thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tổng diện tích đất mặt nước khu vực khai thác là 23,2238ha. Trữ lượng khoáng sản được đưa vào khai thác là: 1.858.031m³. Trong đó, cát san lấp (trữ lượng địa chất cấp 122, tính đến cote-20m) là 835.298 m³. Khoáng sản phụ đi kèm: đất bóc tầng phủ trong khai thác cát (trữ lượng địa chất cấp 122, tính đến cote-20m) 1.022.733 m³. Công suất khai thác 400.000 m³/năm (nguyên khối). Thời gian thực hiện dự án: tuổi thọ mỏ: 4,7 năm. Thời gian cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ là 6 tháng.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu đơn vị thi công đảm bảo các biện pháp giảm thiểu tác động đến đường bờ, đáy sông: không khai thác sát bờ (đảm bảo khoảng cách bờ từ 200m trở lên), không khai thác vượt ra ngoài biên giới mỏ được cấp phép; tuyệt đối không khai thác quá độ sâu cho phép (cote-20m). Việc khai thác cát đồng thời đáp ứng yêu cầu chỉnh trị dòng chảy, không để dòng chảy xoáy vào bờ tạo hàm ếch gây sạt lở đất.

Ngoài ra, đơn vị thi công phải kiểm soát các phương tiện, thiết bị khai thác cát theo đúng thiết kế, biện pháp tổ chức thi công và theo quy định cấp phép: đúng công suất, cao độ đáy, thi công theo luồng, không tập trung thi công một chỗ gây hố xoáy; sử dụng thiết bị khai thác đảm bảo đúng thiết kế, kỹ thuật với dung tích gầu 2,5 m³, đảm bảo bề dày lớp cát lấy đi một lượt khai thác.

Đồng thời, theo dõi thường xuyên (2 lần/ngày) những diễn biến về dòng chảy và đường bờ để điều chỉnh kịp thời các hoạt động khai thác. Thực hiện đóng cọc giám sát sạt lở đường bờ theo phạm vi chiều dài của mỏ.

Tổng số lượng cọc giám sát đường bờ dự án là 30 cọc, có ghi ký hiệu trên mỗi cọc, ghi tọa độ theo dõi và định kỳ đo đạc giám sát sạt lở; thực hiện công tác đo vẽ, lập bản đồ địa hình hiện trạng và tính trữ lượng còn lại của mỏ cát, từ đó đưa ra kế hoạch khai thác hợp lý gửi báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện giám sát và theo dõi theo quy định với tần suất 3 tháng/lần.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên (liên tục trong thời gian thi công từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều mỗi ngày) quan sát, theo dõi các hoạt động khai thác của công nhân để đảm bảo khai thác theo đúng quy định; theo dõi quá trình diễn biến, sự thay đổi địa hình hai bên bờ, phát hiện kịp thời các hiện tượng rạn nứt, sạt lở bờ (nếu có) gần khu vực khai thác. Kịp thời thông báo ngay với các cơ quan có trách nhiệm để có phương hướng giải quyết.

UBND tỉnh Tiền Giang lưu ý, khi xảy ra sự cố sạt lở đường bờ, sẽ tạm dừng ngay các hoạt động khai thác tại khu vực có xảy ra sạt lở để báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời di chuyển các trang thiết bị khai thác tại khu vực mỏ để tạo điều kiện tốt nhất khắc phục sự cố. Nếu sự cố ảnh hưởng đến khu vực dân cư, phải thực hiện đền bù khắc phục sự cố theo quy định. Xác định phạm vi xảy ra sự cố và thực hiện gia cố đoạn đường bờ sông bị sạt lở.

Trước đó, ngày 9-10, Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Hoàng Hải và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ khởi công khai thác mỏ cát Hòa Hưng - 5 (tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) phục vụ dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM.