Dần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thực hiện phân loại rác tại nguồn

|

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, TPHCM đang xây dựng và hoàn thiện nội dung đề án phân loại rác tại nguồn (PLRTN) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Dự kiến thực hiện theo đúng thời gian mà luật đã quy định, chậm nhất ngày 31-12-2024.

Để có thể thực hiện PLRTN đúng quy định, hiện thành phố đang dần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Hiện công tác thu gom tại nguồn tồn tại hai hệ thống là hệ thống công lập do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Công ty Dịch vụ công ích các quận, huyện thu gom khoảng 40% khối lượng chất thải rắn phát sinh mỗi ngày; hệ thống dân lập bao gồm các công ty, hợp tác xã, cá nhân, thu gom khoảng 60% khối lượng rác phát sinh.

TPHCM đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi phương tiện thu gom rác đạt chuẩn. Ảnh: MINH HẢI

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tổ chức sắp xếp lại lực lượng thu gom tại nguồn, chấn chỉnh công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Tính đến hết tháng 7-2024, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc công ty/doanh nghiệp có tư cách pháp nhân rõ ràng.

Đối với công tác chuyển đổi phương tiện thu gom, từ năm 2021 đến nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển. Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển là 1.883 phương tiện (gồm 1.144 thùng 660 lít, 739 xe ô tô chở rác).

Trạm trung chuyển rác trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TPHCM

Đối với công tác vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, mạng lưới thu gom, vận chuyển từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển và vận chuyển đến các khu liên hợp xử lý do ba đơn vị cùng thực hiện gồm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (53%); Công ty dịch vụ công ích quận, huyện (30%); Hợp tác xã công nông (17%).

Hiện nay, thành phố có khoảng 900 điểm hẹn tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành và 28 trạm trung chuyển với quy mô khác nhau. Trong đó, có 7 trạm trung chuyển đạt chuẩn; 13 trạm đã được cải tạo, nâng cấp bằng ngân sách; 8 trạm hoạt động tạm (tạm giữ do nhu cầu quản lý trên địa bàn quận, huyện).

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các đơn vị vận chuyển đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và lắp đặt camera tại các trạm trung chuyển để theo dõi giám sát quá trình hoạt động.

Công tác đầu tư, xây dựng trạm trung chuyển rác cũng được thành phố chú trọng quan tâm. Theo đó, thành phố đã ban hành định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và giao cho UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện giải tỏa các trạm gây ô nhiễm môi trường, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để đến năm 2025 có 40 trạm, đáp ứng 13 trạm khu vực, 27 trạm phục vụ quận, huyện.

Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và các quận 4,8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh và các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển. Trong đó, có 3/16 trạm đã hoàn thành xây dựng, vận hành (2 trạm ở quận 12, và 1 trạm ở TP Thủ Đức).

Để đảm bảo tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TPHCM cũng đã giao Sở TN-MT TPHCM chủ động phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp.

Trong đó, nhóm giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý của các đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu (bao gồm 5 đơn vị: Công ty CP Vietstar; Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM) và nhóm giải pháp thực hiện kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phân loại rác tại nguồn để không bỏ lỡ nguồn lợi lớn: Guồng quay tái chế hàng tỷ USD