Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020 để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn

|

Tại Hội nghị kết nối Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid- 19 được UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 2-7, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, tính đến cuối tháng 6-2020, thực hiện Thông tư 01/2020 của NHNN, ngành ngân hàng ở TPHCM đã giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất thấp cho 230.700 khách hàng, tổng cơ cấu đạt 384.610 tỷ đồng.\r\n

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 168.668 khách hàng với dư nợ đạt 64.215 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.419 khách hàng với dư nợ đạt 49.971 tỷ đồng; cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 cho 44.613 khách hàng với doanh số đạt 270.425 tỷ đồng. Cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VND không quá 5%/năm đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên với dư nợ đến cuối tháng 5-2020 đạt 175.792 tỷ đồng, với 31.337 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và chiếm tỷ trọng 72% trong tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực này.

Riêng Chương trình Kết nối Ngân hàng - DN 2020, có 12 ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký tham gia gói tín dụng là 274.450 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5-2020, gói tín dụng này đã giải ngân đạt 127.391 tỷ đồng đối với 5.906 khách hàng. Đồng thời, NHNN chi nhánh TPHCM đã phối hợp với UBND huyện Củ Chi và một số NHTM trên địa bàn quận, huyện tổ chức hội nghị chuyên đề nông nghiệp và nông thôn tại huyện Củ Chi với tổng số tiền ký kết là 203,77 tỷ đồng cho vay 46 khách hàng. Như vậy, tính chung đến cuối tháng 6-2020, Chương trình Kết nối Ngân hàng - DN đã thực hiện được 129.519,09 tỷ đồng cho 6.393 khách hàng. 

Tại hội nghị kết nối lần này, 16 thương hiệu NHTM, trong đó 12 NHTM có trụ sở chính tại TPHCM và 4 NHTM nhà nước tại TPHCM đã tham gia ký kết với 17.215 khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân với tổng số tiền 87.637 tỷ đồng.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các DN đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ, NHNN cần có thêm các chính sách quyết liệt hơn, phù hợp với tình hình thực tế khó khăn về nguồn vốn của DN. Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cũng kiến nghị, ngoài thủ tục cần được giảm thiểu hơn để DN tiếp cận vốn hỗ trợ dễ dàng hơn thì ngân hàng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những DN ít thiệt hại và không thiệt hại bởi dịch Covid- 19 để DN có thể hồi phục sau dịch.

Phát biểu tại đây, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, 6 tháng đầu năm TPHCM hụt thu ngân sách 14%, điều này cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế TP rất lớn. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng đánh giá cao nỗ lực của NHNN chi nhánh TPHCM, Sở Công thương TPHCM và UBND các quận huyện đã thực hiện và phát huy tốt việc kết nối ngân hàng với DN nhằm giải quyết được nguồn vốn cho DN. Hoạt động kết nối ngân hàng với DN phải được thực hiện xuyên suốt với sự hợp tác và có trách nhiệm của từng sở ngành, quận huyện, ngân hàng và sự nỗ lực kiên trì của từng DN.

UBND TP đã thành lập tổ chuyên trách tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, thuế, bảo hiểm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Do đó, các sở ngành, quận huyện cũng cùng bắt tay vào để tháo gỡ khó khăn cho DN, không hô hào, nói suông mà nói thật làm thật; đồng thời cần tuyên truyền để việc kết nối được cụ thể, sâu sát, để DN vững niềm tin ở ngân hàng, vững niềm tin vào chính quyền nhằm vượt qua khó khăn.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi nên NHNN đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020 theo hướng để nhiều DN có thể được hỗ trợ hơn trong tình hình mới. Hiện các NHTM đã nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí, lương nhân viên để tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Hiện lãi suất cho vay cũng đã được kéo giảm xuống; đồng thời trong bối cảnh hiện nay, các NHTM cũng phải cạnh tranh để tìm kiếm khách hàng tốt cho vay nên các NHTM sẽ đồng hành DN để tồn tại và kiểm soát nợ xấu.