Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng phát đi thông điệp rằng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) không còn dồi dào. Do đó, để duy trì lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp là bài toán khó trong thời gian tới.
Tính đến nay, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng tại các NHTM đã tăng 0,44-0,51 điểm % so với cuối năm 2021. Mặc dù vậy, hiện lãi suất huy động cao nhất tại một số NHTM đã lên mức 7,4%-7,6%/năm. Thậm chí, với số tiền lớn, kỳ hạn 13 tháng tại ABbank đã lên đến 8,8%/năm. Cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường đang ngày một “nóng” nên ở cùng một kỳ hạn, lãi suất chênh lệch giữa một số NHTM nhỏ và lớn có thể lên đến 1%. Nhiều NHTM cho biết, lãi suất huy động tăng một phần vì các ngân hàng cần vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay đang tăng, trong khi một phần vốn lớn đã bị kẹt trong nợ xấu từ lúc cao điểm dịch Covid-19 đến nay.
Bên cạnh đó, một NHTM chưa được NHNN tăng room (hạn mức) tín dụng lý giải việc vẫn tăng mạnh lãi suất huy động là nhằm đáp ứng quy định mới về an toàn vốn của NHNN (có hiệu lực từ ngày 1-10). NHNN quy định tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 37% về 34%, nên ngân hàng phải đẩy mạnh kênh huy động vốn kỳ hạn trên 12 tháng để cơ cấu nguồn vốn. Chưa kể, theo NHNN, trong 7 tháng đầu năm, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng hơn 14% (cao hơn tăng trưởng chung toàn ngành) cũng tạo áp lực cho việc tăng huy động vốn, vì phần lớn tín dụng trong lĩnh vực này là trung, dài hạn.
Nhiều ý kiến khác nhau
Việc các NHTM liên tục tăng lãi suất huy động thời gian qua được nhận định là do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng không còn dồi dào, thậm chí có thời điểm căng thẳng. Tốc độ huy động vốn không bắt kịp với tăng trưởng tín dụng, từ đó, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, tính đến ngày 26-8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã tăng 9,9% so với đầu năm 2022, trong khi tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt khoảng 3,8% - mức thấp chưa từng có từ trước tới nay.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng không chỉ thể hiện qua lãi suất huy động tăng mà còn được thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng thời gian qua. Lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 7 và có lúc lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tình trạng huy động vốn khó khăn diễn ra trong bối cảnh cần dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có xu hướng rút bớt tiền từ hệ thống ngân hàng để đưa vào sản xuất kinh doanh, vì các ngân hàng không còn room cho vay. Số liệu từ NHNN cho thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế chỉ tăng 3,61% so với đầu năm - là mức tăng nửa năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Từ ngày 23-9, NHNN đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản (1 điểm %) đối với một loạt lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó tăng mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%. Đại diện NHNN chi nhánh TPHCM giải thích, việc tăng lãi suất tiền gửi sẽ giúp tổ chức tín dụng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành của NHNN vừa làm giảm áp lực lên lạm phát, đồng thời giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Mức tăng 1% không quá lớn và không tác động nhiều đến việc hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng lại tăng thêm khả năng Việt Nam có thể giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, lãnh đạo một NHTM cho rằng, tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không đáng kể nhưng việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Bởi khi trần huy động được nâng lên, cho phép các ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Từ đó, chi phí đầu vào của ngân hàng cũng tăng lên. Có thể, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay. “Áp lực lãi suất cho vay tăng là hiện hữu, nhất là khi vốn của nền kinh tế hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng của ngân hàng”, đại diện ngân hàng này cho hay.
Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:
Thủ tướng đã có chỉ đạo phải giữ cho lãi suất cho vay không tăng lên. Do đó, người đi vay vẫn được vay với lãi suất không đổi trong khi người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn, như thế, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng sẽ bị thu hẹp. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị mà hệ thống ngân hàng cần chung tay, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân. NHNN có thể đưa ra các chính sách khuyến khích các ngân hàng giảm hay bình ổn lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì có thể được xem xét nâng hạng trong việc xếp hạng NHTM hoặc có thể được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng…
Ông Nguyễn Đức Lệnh
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM:
Để giữ ổn định lãi suất cho vay khi lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao đó là các NHTM phải tiết giảm các loại chi phí. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ cũng như các chương trình tín dụng ưu đãi (cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực) sẽ góp phần quan trọng vào ổn định lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.