Cẩn trọng với chiêu lừa cài đặt ứng dụng VNeID

|

Thời gian qua, ngành công an đã liên tục cảnh báo về tình trạng một số đối tượng mạo danh cán bộ công an gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID để lừa đảo. Tuy nhiên, Đường dây nóng của Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh nhiều người dân sập bẫy lừa qua chiêu trò này.

Sập bẫy

Đó là trường hợp của bà L.K.Q. (nhân viên văn phòng ở TPHCM) bị lừa gần 1,5 tỷ đồng. Cụ thể, sáng 7-3, bà nhận cuộc gọi từ số điện thoại 094788… xưng là cán bộ Công an phường 16 (quận 4, TPHCM). Người này yêu cầu bà Q. đăng ký lại thông tin định danh mức 2 (VNeID) do tài khoản của bà chưa được đăng ký vì lỗi hệ thống.

Để tạo lòng tin, vị “cán bộ” này đọc tên, số căn cước công dân, nơi cư trú… của bà Q.; đồng thời đề nghị bà lên trụ sở công an đăng ký VNeID. Sau khi “nhắc khéo” hiện nhiều người đang xếp hàng ở trụ sở nên phải chờ đợi lâu, người này nói sẽ hướng dẫn bà Q. đăng ký VNeID qua điện thoại cho thuận tiện. Tin tưởng, bà Q. đồng ý.

Công an hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân chứ không gọi điện và nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội

Người này tiếp tục nói, nếu làm trên điện thoại iPhone sẽ bị lỗi, do đó yêu cầu bà Q. sử dụng điện thoại Samsung (dùng hệ điều hành Android). Sau đó, người này dùng Zalo tên “Thanh Luân” kết bạn với bà Q. và gọi video hướng dẫn bà tìm kiếm trên Google link dichvucong.bvgov.com; yêu cầu bà tải ứng dụng “Cổng dịch vụ công Bộ Công an” về điện thoại. Bà Q. tải ứng dụng về và tiếp tục được hướng dẫn làm các bước định danh như: đăng nhập, lấy dấu vân tay…

Lúc này, người gọi thông báo dịch vụ phải đóng phí 12.000 đồng và hướng dẫn bà Q. đăng nhập ứng dụng Ngân hàng MB Bank trên điện thoại Samsung. Thực hiện xong, bà Q. nhận tin nhắn từ MB Bank về điện thoại và ngay lập tức tài khoản của bà bị trừ tiền 3 lần, số tiền bị trừ gần 1,5 tỷ đồng.

Tương tự, trưa 4-3, bà H.T.K.L. nhận cuộc gọi từ số điện thoại 094773… xưng là nữ cán bộ Công an phường Đa Kao (quận 1, TPHCM). Người này thông báo định danh điện tử mức 2 của bà L. bị sai sót nên không đưa lên trang chủ được. Bà L. trả lời rằng mình không ở tại phường này thì đối phương nói sẽ gửi hồ sơ về Công an quận 1. Ít phút sau, bà L. nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0859…, giọng nam, xưng là cán bộ Công an quận 1. Người này yêu cầu bà L. lên công an chỉnh hồ sơ; hướng dẫn bà L. vào dịch vụ công khai báo. Bà L. tải ứng dụng VNeID, làm theo hướng dẫn.

Sau khi bà L. làm nhiều thao tác, màn hình điện thoại hiển thị đang tải ứng dụng được 20% thì đứng máy. Đối phương nói bà L. không tắt máy, giữ sáng màn hình… Một lúc sau, đồng nghiệp của bà L. nhìn thấy bà tải ứng dụng định danh điện tử không giống ứng dụng VNeID của Bộ Công an nên nói bà L. xóa ứng dụng. Sau khi xóa xong, bà L. vào tài khoản ngân hàng Vietcombank trên điện thoại nhưng không được. Bà L. gọi lên tổng đài ngân hàng thì biết toàn bộ số tiền (gần 80 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng của bà bị chuyển đến tài khoản khác.

Không chỉ lừa cài đặt ứng dụng VNeID, nhiều hình thức lừa đảo khác như deepfake, gọi video... vẫn hoành hành, nên người dân cần hết sức bình tĩnh và kiểm tra cẩn thận khi giao dịch tài sản, tiền bạc qua tài khoản.

Công an không làm việc qua điện thoại

Công an quận 1, TPHCM cho biết, trong vài tháng trở lại đây, đơn vị liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị một số đối tượng mạo danh cán bộ công an phường, gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID để kích hoạt tài khoản định danh điện tử thông qua đường dẫn do đối tượng cung cấp. Có những người mất tiền từ vài chục triệu tới hàng tỷ đồng.

Theo Công an TP Thủ Đức, các đối tượng gọi điện thoại lừa đảo lợi dụng việc một bộ phận người dân nắm biết chưa đầy đủ thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Sau đó, đối tượng gửi đường dẫn qua ứng dụng trò chuyện trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook..., dẫn dụ người dân truy cập đường dẫn để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.

Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP…, đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại người bị hại, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Công an TPHCM thông tin, lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại hoặc tin nhắn. Tất cả các cuộc gọi điện thoại, liên lạc qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… yêu cầu, hướng dẫn người dân kích hoạt VNeID đều là giả mạo với mục đích lừa đảo.

Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài, từ các đường dẫn lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.

Người dân cần lưu ý, ngoại trừ số điện thoại đường dây nóng của Công an TPHCM liên quan đến lĩnh vực cấp CCCD và đăng ký cư trú trên địa bàn TPHCM là 0693.187.111, thì tổng đài duy nhất hướng dẫn về VNeID của Bộ Công an là 1900.0368. Ngoài ra, hiện nay các đối tượng cũng sử dụng phương thức thủ đoạn lừa đảo là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… để gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nhiều lĩnh vực khác.