Liên hoan phim Việt Nam 2019: Băn khoăn tìm tác phẩm xứng đáng

|

Sau vài năm vắng bóng, dòng phim nhà nước đã trở lại đường đua tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21. Câu chuyện “tìm vàng” sao cho xứng đáng vẫn cứ là trăn trở đến hẹn lại lên. \r\n

Hợp đồng bán mình, phim được Nhà nước tài trợ kinh phí, tranh tài tại LHP năm nay

Phá thế độc quyền

Cạnh tranh Bông sen vàng hạng mục Phim điện ảnh tại LHP Việt Nam năm nay có 16 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Nhiều phim trong số đó lập kỷ lục về doanh thu thời gian qua như: Lật mặt: Nhà có khách (đạo diễn Lý Hải), Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung), Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng)… Chất lượng của các bộ phim nói chung đều đạt ở mức trung bình khá trở lên. 

Điểm nhấn của kỳ LHP này đánh dấu sự trở lại của dòng phim nhà nước sau khi vắng bóng hoàn toàn ở kỳ tổ chức năm 2017 (tại Đà Nẵng). Năm nay, có 4 bộ phim nhà nước cùng tranh tài: Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp), Hợp đồng bán mình (đạo diễn Trần Ngọc Phong), Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) được thực hiện theo hình thức nhà nước tài trợ kinh phí làm phim; còn Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) là bộ phim của Điện ảnh Quân đội.

Dù chưa tạo tiếng vang nhưng cả 4 bộ phim nói trên đã hạn chế được yếu tố tuyên truyền khô khan, có sự biến chuyển đáng ghi nhận trong phương cách làm phim. Thạch Thảo được công chiếu thương mại năm 2018, lấy đề tài học đường với nội dung mang ý nghĩa đề cao tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình và cả tình yêu đôi lứa. Cuối tháng 10 vừa qua, Hợp đồng bán mình ít nhiều gây chú ý khi một đơn vị sản xuất phim nhà nước - Công ty CP Phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn” để thực hiện một bộ phim đầy tính giải trí. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải Phóng, khẳng định, bên cạnh phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, ngay từ tên phim đã hướng về thị trường. “Việc các tác phẩm điện ảnh của Nhà nước hướng về thị trường là điều cần thiết. Điện ảnh nói riêng và các môn nghệ thuật khác không được phép xa rời yêu cầu về tính giải trí”, ông Tiến Hưng chia sẻ.

Ngay sau đó, Truyền thuyết về Quán Tiên được trình chiếu trong tuần lễ chào mừng LHP Việt Nam cũng nhận những phản hồi tích cực. Một bộ phim về đề tài chiến tranh, dựa trên sự kiện lịch sử và những nhân vật có thật nhưng vẫn mang tính đời, kết hợp với yếu tố ly kỳ, hài hước cùng cách kể chuyện khá hấp dẫn. Cũng ra mắt trong Tuần phim chào mừng LHP Việt Nam, Nơi ta không thuộc về là dự án kinh phí thấp và được đánh giá là tác phẩm “xinh xắn”. Trước đó, phim từng dự giải Cánh diều 2018 nhưng chưa may mắn đoạt giải và cũng chưa được công chiếu rộng rãi. 

Lại chuyện tìm vàng

Nhìn vào số lượng các phim dự thi năm nay, có thể thấy cuộc đua đến danh hiệu cao quý nhất - Bông sen vàng - đang khó đoán khi các phim có chất lượng tương đối đồng đều, chưa có ứng viên nào bật hẳn lên. Ở dòng phim nhà nước, Truyền thuyết về Quán Tiên và Hợp đồng bán mình có phần nổi bật hơn nhưng cũng chưa đủ thuyết phục. Trong khi đó, ở dòng phim tư nhân: Người bất tử, Hai Phượng, Thưa mẹ con đi… đều đang chứng tỏ mình đủ sức nặng để chạm đến danh hiệu cao quý. Chàng vợ của em, Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại Cánh diều 2019 đã không có tên trong danh sách tranh giải lần này. Như vậy, các phim có doanh thu cao như đã đề cập ở trên không phải không có cơ hội.  

Tuy nhiên, LHP năm nay vẫn đang thiếu vắng một bộ phim vừa có chất lượng nghệ thuật cao, vừa có doanh thu tốt. Trong bối cảnh đó, Song Lang đang được xem là ứng viên tiềm năng. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông: “Nếu như không tìm được phim thực sự xuất sắc thì cũng không trao giải Bông sen vàng”. Nhiều khán giả vẫn nghi ngại và đặt câu hỏi, liệu có hay chăng sự ưu ái cho dòng phim nhà nước (thực tế đã xảy ra không ít lần). 

Cũng như giải Cánh diều được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, LHP năm nay tiếp tục xét giải cho các bộ phim làm lại (remake) trừ 2 hạng mục Phim xuất sắc và Kịch bản xuất sắc. Điều này đồng nghĩa với việc ở các giải thưởng cá nhân, cơ hội đang được chia đều cho tất cả các ứng viên. Ở hạng mục đạo diễn, các ứng viên nặng ký vẫn là những gương mặt quen thuộc: Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng… Cũng không loại trừ trường hợp có thể sẽ vinh danh một đạo diễn trẻ đã chứng minh sự nhạy bén và tư duy tốt qua các tác phẩm của mình, như: Leon Quang Lê, Trịnh Đình Lê Minh, Đinh Tuấn Vũ, Vũ Ngọc Phượng…

2 danh hiệu cá nhân cũng rất được quan tâm là Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ở hạng mục của nam diễn viên chính, Liên Bỉnh Phát (Song Lang) hoàn toàn có cơ hội tái lập kỳ tích sau khi lên ngôi tại Cánh diều 2019. Cạnh tranh với anh có những tên tuổi đáng chú ý: Quách Ngọc Ngoan (Người bất tử), Trấn Thành (Cua lại vợ bầu), Kiều Minh Tuấn (Hạnh phúc của mẹ), Phạm Duy Thuận (100 ngày bên em)…

Ở hạng mục dành cho nữ diễn viên chính, nếu Hoàng Yến Chibi (Tháng năm rực rỡ - Cánh diều vàng 2019 Nữ diễn viên chính xuất sắc) vẫn chiếm ưu thế lớn trên đường đua, cơ hội cũng dành cho nhiều gương mặt đáng chú ý khác như: Ngô Thanh Vân (Hai Phượng), Lan Ngọc (Cua lại vợ bầu), Thúy Hằng (Truyền thuyết về Quán Tiên), Khả Ngân (100 ngày bên em)…   

Dù là LHP quốc gia định kỳ tổ chức 2 năm/lần, nhưng năm nay, sự kiện này lại khá im ắng và kín tiếng. Hai đêm khai mạc và bế mạc cũng không được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình quốc gia VTV như các kỳ trước đây, thay vào đó là kênh truyền hình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, VTC). Theo ban tổ chức, họ muốn giữ bí mật đến phút chót để tạo bất ngờ. LHP Việt Nam lần thứ 21 diễn ra từ ngày 23 đến 27-11 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.