Doanh thu phim Việt 2019: Đạt kỷ lục, nhưng chưa ổn định

|

Mắt biếc bán 1 triệu vé chỉ sau 5 ngày công chiếu là tin vui không chỉ với ê kíp đoàn phim mà còn với những khán giả theo dõi điện ảnh Việt Nam. Có thể nói, năm 2019, phim Việt đã đưa khán giả đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. \r\n

Hai Phượng - phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam

Kỷ lục nối kỷ lục

Phim Việt khởi đầu năm 2019 với Chị trợ lý của anh (ra mắt ngày 4-1). Đây cũng là lần đầu tiên ca sĩ Mỹ Tâm xuất hiện trên màn ảnh rộng với rất nhiều vai trò: diễn viên chính, đạo diễn, biên kịch. Bộ phim cũng do công ty giải trí của cô đứng vai trò sản xuất. Doanh số hơn 70 tỷ đồng của phim được xem là sự mở đầu may mắn cho một năm của vô số kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ.

Chưa năm nào phim Việt thắng lợi như mùa tết và hậu tết 2019, thậm chí lấn át phim ngoại nhập. Trạng Quỳnh - bộ phim tuy gây nhiều tranh cãi về chất lượng nhưng vẫn vượt doanh thu 100 tỷ đồng. Ngay sau đó, các kỷ lục của phim Việt liên tiếp được Cua lại vợ bầu xác lập: 12 tỷ đồng trong 3 ngày chiếu sớm, 22 tỷ đồng sau ngày công chiếu đầu tiên, 108 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu. Phim không khó để vượt kỷ lục của Em chưa 18 sau 2 tuần công chiếu trước khi chạm mốc 191,8 tỷ đồng - trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại chỉ tính riêng thị trường Việt Nam. Trong khi đó, vị thế số 1 về doanh thu hiện thuộc về Hai Phượng với hơn 200 tỷ đồng, bao gồm doanh thu trong nước và doanh thu ở thị trường các nước: Mỹ, Canada, Trung Quốc. Phim cũng xuất hiện trên Netflix chỉ sau 3 tháng công chiếu.  

Trải qua một dấu lặng buồn kéo dài gần nửa năm, những tưởng phim Việt sẽ rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”, nhưng từ tháng 10, sự khởi sắc đã trở lại với bộ ba phim tâm linh, kinh dị: Thất sơn tâm linh, Pháp sư mù và Bắc kim thang. Ba ngày đầu công chiếu, Bắc kim thang thu gần 30 tỷ đồng. Thất sơn tâm linhPháp sư mù lần lượt có 50 và 55 tỷ đồng sau hai tuần công chiếu. Dù lời ít hay nhiều nhưng đó đã là thành công đáng ghi nhận. 

Và, trong hai tháng cuối năm lần lượt Anh trai yêu quái, Chị chị em em và đặc biệt Mắt biếc đã khép lại một mùa ấn tượng của điện ảnh Việt Nam. Chị chị em em thu về 12 tỷ đồng sau 2 ngày chiếu sớm, cán mốc 26 tỷ sau ngày chiếu chính thức đầu tiên. Mắt biếc - đúng như kỳ vọng khi trở thành phim Việt có doanh thu 3 ngày chiếu đầu tiên cao nhất - 50 tỷ đồng. Sau đó, phim nhanh chóng đạt mức hơn 1 triệu vé bán ra (tương đương hơn 70 tỷ đồng) sau 5 ngày và gần như chắc chắn sẽ gia nhập câu lạc bộ phim trăm tỷ đồng của điện ảnh Việt Nam.  

Việc phim Việt loại các phim ngoại nhập khỏi đường đua trên chính sân nhà mới là điều quan trọng nhất, phản ánh tín hiệu lạc quan cho thị trường. Đây cũng là năm đầu tiên, tổng doanh thu phim Việt chắc chắn bước qua con số 1.000 tỷ đồng.

  Dấu lặng buồn

Với khoảng hơn 40 phim phát hành trong năm 2019, số lượng các phim có doanh thu từ hòa đến thắng chỉ chiếm khoảng 1/3. Điều đó cho thấy thị trường chưa thực sự đi vào ổn định, chất lượng còn trồi sụt. 

Mùa phim tết thành công rực rỡ nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tác phẩm mà chưa ra mắt đã biết trước sẽ thất bại. Đó là trường hợp của Yolo: Bạn chỉ sống một lần, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Táo quậy. Sự cẩu thả từ mặt kịch bản cho đến dàn dựng, diễn xuất của diễn viên khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Những bộ phim đó có phải là tác phẩm điện ảnh và xứng đáng để ra rạp? Cụm từ “thảm họa” sau nhiều năm vắng bóng đã quay trở lại. 

Trượt dài trong thất bại là những bộ phim mà ai cũng hiểu vì sao ngay sau khi ra mắt đã “không kèn không trống” rời rạp như: Cuộc gọi định mệnh, Tình đầu thơ ngây... Nhưng, chưa khi nào trong 6 tháng liên tiếp, phim Việt lâm vào khủng hoảng trầm trọng, bất chấp việc có những bộ phim do các đạo diễn tên tuổi thực hiện như trường hợp của Ước hẹn mùa thu (Nguyễn Quang Dũng), Anh thầy ngôi sao (Đỗ Đức Thịnh)… Danh sách phim thảm bại phòng vé nối dài: Cà chớn anh đừng đi, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Cha ma, Tìm chồng cho mẹ, Siêu quậy có bầu, Ngôi nhà bươm bướm, Thiên sứ không phép màu, Nhân duyên người yêu tiền kiếp… Ngay cả những bộ phim được coi là sự thể nghiệm về mặt đề tài, cách làm phim: Người lạ ơi, Vô gian đạo, Cậu chủ ma cà rồng… nhưng chất lượng không đạt yêu cầu nên cũng không thể thu hút khán giả.  

Điểm sáng hiếm hoi của giai đoạn này có lẽ là những bộ phim độc lập có chất lượng khá: Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, Thưa mẹ con đi, Tháng 5 để dành... Nhưng, ngay cả khi nhà sản xuất phải lên tiếng kêu gọi “lòng thương” của khán giả đừng quay lưng với tác phẩm của mình thì mọi chuyện cũng không tiến triển là bao. Thời điểm cuối năm, một số tác phẩm có chất lượng trung bình khá: Hợp đồng bán mình, Ngốc ơi tuổi 17, Hoa hậu giang hồ… cũng không thể tạo nên kỳ tích.