Pháp - Đức gia tăng bất đồng

|

Bất hòa xuất hiện giữa Đức và Pháp - hai quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) xung quanh những vấn đề nóng đang gây lo ngại về công cuộc xây dựng và phát triển châu Âu trong tương lai.

Nhà máy năng lượng hạt nhân tại Pháp

Từ năng lượng hạt nhân

Sau thảm họa Fukushima vào năm 2011, Đức ngày càng tỏ rõ đối lập với Pháp về vấn đề năng lượng hạt nhân. Những tháng gần đây, sự đối đầu đã chuyển biến theo hướng trực diện hơn. Berlin đã chặn nhiều dự luật lớn về vấn đề năng lượng hạt nhân ở Brussels (Bỉ). Khi EU chủ trương đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, Paris nhắm tới phát triển trở lại hạt nhân, Berlin phản đối, cho rằng chủ trương đó sẽ cản trở phát triển năng lượng tái tạo.

Đã có 11 quốc gia trong EU do Pháp đứng đầu đã tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự để phát triển các dự án mới, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Đức, Áo, Luxembourg và Tây Ban Nha. Theo tạp chí La Tribune, để thành lập liên minh trên, trong những tháng gần đây, Pháp đã vận động hành lang và có các thỏa thuận đặc biệt. Chính phủ Pháp cho rằng năng lượng hạt nhân có thể giúp Pháp và châu Âu đạt được những mục tiêu khí hậu, đặc biệt là sản xuất hydro “xanh” cho lĩnh vực vận tải, công nghiệp. Nước này luôn tích cực tìm kiếm đồng minh trong 27 quốc gia EU để tạo đối trọng trong những cuộc đàm phán với các nước láng giềng không ủng hộ cho nguồn điện carbon thấp này, trong đó đứng đầu là Đức và Tây Ban Nha.

Về phía Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy năng lượng hạt nhân. Ông Olaf Scholz cho rằng, việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn kém, thậm chí còn khó thực hiện hơn tiến trình phát triển năng lượng tái tạo.

Liên quan đến lĩnh vực khí đốt, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cuối cùng đã đồng ý mua khí đốt ở cấp độ châu Âu theo giá trần. Pháp và Đức thống nhất cung cấp khí đốt và điện cho nhau để tránh các vấn đề trong mùa đông. Nhưng Thủ tướng Scholz vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Pháp về việc cải cách thị trường điện, đặc biệt là khi giá năng lượng lại đang có xu hướng giảm. Diễn biến này dẫn đến lo ngại rằng EU có nguy cơ bị chia thành hai khối đối lập nhau về vấn đề chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

Đến chính sách quân sự

Một bất đồng khác giữa hai nước liên quan đến quốc phòng của châu Âu. Đây là một trong những chủ đề bất đồng lớn giữa Paris và Berlin kể từ đầu cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Pháp Macron từ lâu đã hy vọng củng cố quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, hướng đến sự độc lập khỏi Mỹ và NATO để đảm bảo an ninh cho châu lục thì cuộc chiến ở Ukraine lại khiến kế hoạch này bị ảnh hưởng.

4 tháng sau khi Đức thông báo phát động dự án lá chắn chống tên lửa chung cho châu Âu có tên gọi European Sky Shield (ESSI) từ tháng 10-2022, đến giờ đã có 17 quốc gia, trong đó 15 thành viên NATO tham gia sáng kiến của Berlin. Sáng kiến này không cùng kế hoạch độc lập chiến lược của châu Âu do Pháp phát động, vốn có chủ trương tự chủ xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tiềm lực của châu Âu. Pháp cho rằng dự án của Berlin, chủ yếu mua trang bị hệ thống của Mỹ và bên ngoài, sẽ gây bất lợi cho một số hãng công nghiệp quân sự của châu Âu. Đức cũng khiến Pháp “khó chịu” khi mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ thay vì máy bay của châu Âu và cũng không chờ đợi Hệ thống Không quân chiến đấu tương lai (FCAS) - một dự án máy bay chung của Pháp - Đức - Tây Ban Nha đi vào hoạt động.

Ngoài ra, việc Đức tiến hành tái vũ trang với khoản ngân sách đặc biệt 100 tỷ EUR (105 tỷ USD) sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra cũng khiến cán cân quan hệ Pháp - Đức bị tác động mạnh khi tương lai của các dự án quốc phòng chung của hai nước bị đặt dấu hỏi.