Phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và xây dựng Đảng về đạo đức thời kỳ đổi mới

|

Ngày 5-6, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TPHCM cùng Tạp chí Lý luận Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Thực trạng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và xây dựng Đảng về đạo đức thời kỳ đổi mới”.

Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí: PGS. TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; Lê Thị Hồng Nga, Bí thư Đảng ủy Khối; Võ Văn Yên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối; Nguyễn Thành Thơ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối.

Quang cảnh tọa đàm

Báo cáo đề dẫn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Võ Văn Yên nhấn mạnh, đạo đức là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Việc xây dựng Đảng về đạo đức là một bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng xã hội văn minh và tiến bộ. Giải pháp thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiệu quả nhất đó là phải đẩy mạnh nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tọa đàm nhằm nhìn nhận, đánh giá vấn đề nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và xây dựng Đảng về đạo đức trong thời kỳ đổi mới nói chung và của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TPHCM nói riêng.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Bùi Thị Ngọc Trang nhấn mạnh, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là một chủ trương lớn của Đảng ta. Việc xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nghiên cứu để chấp hành nghị quyết, quy định của Đảng một cách nghiêm túc phải khẳng định trước hết là trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên.

TS Bùi Thị Ngọc Trang tham luận tại tọa đàm

Để đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu, thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, TS Bùi Thị Ngọc Trang cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, quán triệt về tư tưởng của Bác cũng như các nghị quyết của Đảng, cần kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, lãng phí, thực dụng trong quá trình cử cán bộ đảng viên đi học, trong quá trình phối hợp tổ chức dạy và học chính trị; chống tình trạng lười học tập lý luận chính trị, nghị quyết…

Đại biểu nêu ý kiến về nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và xây dựng Đảng về đạo đức thời kỳ đổi mới

Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên chính Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an nêu vấn đề bức thiết là mỗi cán bộ, đảng viên TPHCM cần nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, tiếp thu và thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. “Việc học tập, thấm nhuần đó không chỉ làm cho chúng ta nhận thức đúng, dẫn đến hành động đúng, đưa lại những việc làm, kết quả tích cực, mà còn là công cụ hữu hiệu để mỗi cán bộ, đảng viên có thể nhận diện, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”, TS Lê Hoàng Việt Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng phân tích, nhấn mạnh vai trò nền tảng định hướng của đạo đức đối với Đảng lãnh đạo, cầm quyền; khái quát quá trình nhận thức của Đảng ta về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và kết quả nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong thời kỳ đổi mới. Cùng với đó là vai trò của xây dựng Đảng về đạo đức đối với các mặt khác của công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Đồng chí Lê Thị Hồng Nga, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TPHCM nhận xét, các nội dung tham gia tọa đàm đi sâu phân tích quan điểm, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị khoa học và hiện thực trong xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên “vừa hồng vừa chuyên”, đủ đức đủ tài; xây dựng Đảng về đạo đức thể hiện trên các phương diện.

Tọa đàm cũng làm rõ trong giai đoạn mới, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng, trọng trách của Đảng ngày càng nặng nề, điều đó cho thấy cần phải tăng cường, chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là bồi đắp “nền tảng”, vun trồng “cái gốc” cho Đảng vững mạnh. Trên nền tảng đạo đức, Đảng mới có thể nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và trong bối cảnh hiện nay càng trở thành một yêu cầu có tính cấp bách và cấp thiết.