Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động khảo sát trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

|

Ngày 6-6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6.

Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin tàu Hải Dương 26 của Trung Quốc đang hoạt động khảo sát trái phép ở vùng biển Việt Nam, phía bên ngoài vịnh Bắc bộ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với Trung Quốc về vấn đề này.

“Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Đồng thời, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự, tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thực hiện nghiêm túc nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển của quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với hội nghị về hòa bình cho Ukraine dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 16-6 tại Thụy Sĩ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

“Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian, hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho xung đột Nga - Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, với sự tham gia của các bên liên quan”, Người phát ngôn nêu rõ quan điểm.

Đối với câu hỏi về báo cáo nhân quyền thế giới công bố mới đây của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có đề cập đến Việt Nam, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam ghi nhận những kết quả khách quan mà báo cáo nhân quyền của EU đưa ra, tuy nhiên, cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đối thoại với EU về chủ đề nhân quyền trên tinh thần tôn trọng, cởi mở, thẳng thắng, hiểu biết lẫn nhau về những gì còn khác biệt.

Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã cung cấp thêm thông tin về việc một du học sinh Việt Nam tại Pháp được gia đình thông báo mất tích từ tháng 1-2024, đến nay đã được cơ quan chức năng Pháp xác định đã thiệt mạng.

Từ vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo các công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài cần phải đăng ký thủ tục cá nhân với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để có được bảo hộ công dân tốt nhất, cũng như được hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra.