Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà ở Paris: Cảm ơn… và tạm biệt!

|

Câu chuyện giá trị của hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay kết tinh từ rất nhiều trang sử đã qua. Nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó. Nhưng những ánh sáng của niềm tin, hy vọng, của những âm thanh thức tỉnh lương tri sẽ vọng mãi trong tâm hồn mỗi con người. Và, vẫn vẹn nguyên tấm lòng tri ân gửi tới lớp người đã sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp cho hôm nay và mai sau.

Cảm ơn hành động vì hòa bình

Có những hành trình buộc người ta không thể một mình và ở đây là hoàn cảnh của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chúng ta cần sự đồng thuận và ủng hộ của bạn bè thế giới để giành vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế, tạo sức ép trên bàn đàm phán, để nước nhà hòa bình, thống nhất.

Trong hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) chia sẻ: “Những bài học rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta có nhiều và rất quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước hôm nay và mai sau. Nhưng tôi đặc biệt thấm thía về những chủ trương có tính chiến lược lớn: Chúng ta đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, giành được sự đồng tình và công lý trên thế giới, sức mạnh của chúng ta được nhân lên gấp bội. Sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với chính sách mềm dẻo và những hoạt động năng nổ và khôn khéo, đã gây được tình cảm và thu phục được những người thuộc chính kiến khác nhau, tạo nên một phong trào ủng hộ quốc tế rộng rãi và hết sức mạnh mẽ”.

Ông Bernard Bachelard. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Và trong những tháng ngày căng thẳng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, tiến đến chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, khi vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cần nêu cao, 3 người bạn Thụy Sĩ: Olivier Parriaux, Bernard Bachelard và Noé Graff đã tự nhận mình là “người lính hòa bình 30 giờ”, đi từ Lausanne (Thụy Sĩ) đến Paris (Pháp) với một kế hoạch tỉ mỉ cho việc trèo lên một chóp tháp (cao gần 100m) ở Nhà thờ Đức Bà Paris và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1969) để góp một thông điệp ủng hộ hòa bình, chấm dứt chiến tranh cho nước bạn.

Câu chuyện gây tiếng vang và vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở thời điểm đó được nâng cao, nhưng người trong cuộc đã rời đi trong thầm lặng.

GS-TS Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông), ở thời điểm đó là nhà báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, kể lại: “Trong thông cáo gửi tới một tờ báo ở Paris, những người treo cờ cho biết họ không thuộc tổ chức nào và không để lại danh tính, địa chỉ. Mục đích của họ là đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi thông qua sứ quán, các bạn Pháp và những nơi có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh nhất nhưng không tìm ra tác giả của sự kiện chấn động này”…

Và lời hồi đáp về những người bạn yêu chuộng hòa bình năm ấy đã được Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp lời trực tiếp từ hai ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard trong những ngày họ đến thăm TPHCM, qua loạt bài “Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà ở Paris” (khởi đăng trên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng từ ngày 16 đến 20-11).

Tạm biệt người đồng chí đến từ Thụy Sĩ

Trong những ngày qua đến thăm TPHCM, câu chuyện 30 giờ can đảm đi từ Lausanne đến Paris để cắm là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard chia sẻ, vẫn vẹn nguyên tình cảm ủng hộ cho Việt Nam như ngày nào. Trong buổi giao lưu với thế hệ trẻ ở TPHCM với chủ đề “Chung khát vọng hòa bình” vào tối 15-11, nhiều bạn trẻ tự hào chụp ảnh lưu niệm cùng hai nhân vật lịch sử cắm cờ năm ấy.

Bạn Phan Minh Hoài Phương (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe đến sự kiện lịch sử này, cảm thấy rất xúc động và biết ơn 3 ông. Từ một đất nước châu Âu xa xôi, nhưng các ông vẫn biết đến và ủng hộ Việt Nam”.

Ông Olivier Parriaux

Tại vùng đất Củ Chi - đất thép thành đồng của Tổ quốc, bao người con đã từng anh dũng chiến đấu dưới làn tên mũi đạn, nhưng khi biết đến câu chuyện đấu tranh trên mặt trận ngoại giao năm ấy và hành động ủng hộ cụ thể của những người bạn Thụy Sĩ, đã có những giọt nước mắt rơi vì lòng biết ơn sâu sắc, dù trên mặt trận chiến đấu nào, hay xa xôi vạn dặm cũng có người luôn sát cánh cùng Việt Nam.

Trong cái khoác vai không trọn vẹn, bởi một cánh tay đã nằm lại chiến trường, chú Nguyễn Thành Dũng (55 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, thương binh 2/4) xúc động: “Ngoài câu cảm ơn tôi cũng không biết nói gì hơn vì xúc động lắm, ở xa xôi như vậy mà họ cũng biết đến lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của chúng ta và ủng hộ, nói sao cho hết một tấm lòng tri ân”…

Những cái bắt tay thật chặt, giọt nước mắt cảm động… đã làm những người xa lạ, khác màu da, tiếng nói trở nên gần gũi thân tình, những trái tim cùng một nhịp đập khát vọng hòa bình. Không dừng lại ở câu chuyện năm ấy, những người bạn Thụy Sĩ tiếp tục quan tâm đến nỗ lực hàn gắn vết thương sau chiến tranh ở Việt Nam, ủng hộ và kêu gọi công lý, công bằng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Để khép lại loạt bài “Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà ở Paris”, chúng tôi xin mượn lời Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: “Xin được phép gọi ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard là những người đồng chí với trái tim yêu chuộng hòa bình và ủng hộ Việt Nam”.

Lịch sử sẽ được viết tiếp bằng sự đồng lòng, bằng những nỗ lực phát triển kinh tế - đời sống - văn hóa - xã hội… trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bên cạnh những giá trị thiêng liêng, bất biến của tình bạn quốc tế giữa những đồng chí khắp năm châu.

Từ ngày 15 đến 19-11, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, 2 trong 3 người bạn Thụy Sĩ (người còn lại là Noé Graff) tham gia cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nóc Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp, năm 1969), đã đến thăm TPHCM.

Đồng hành với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard có: GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông; bà Hồ Thị Thu Nguyệt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông; TS Đinh Minh Đạo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông… Và sự kết nối đặc biệt để 2 người bạn Thụy Sĩ đến thăm TPHCM thông qua bà Trần Tố Nga, nhà hoạt động môi trường người Pháp gốc Việt.

Trong những ngày ở TPHCM, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard tham quan Đền tưởng niệm Bến Dược - Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Tại đây, hai ông trao 30 phần quà (mỗi phần trị giá 1.000.000 đồng) đến các gia đình chính sách.

Hai ông cũng thăm, tặng quà các em nhỏ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ); gặp gỡ lãnh đạo thành phố, giao lưu cùng thanh niên, báo chí tại TPHCM. Bên cạnh đó, hai ông cũng tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và thưởng thức chương trình nghệ thuật À Ố show.

Ông Olivier Parriaux chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về đường hầm ở Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Giờ tôi đã hiểu vì sao hàng tấn bom đạn của quân đội Mỹ không thể khuất phục được dân tộc anh hùng này. Người Việt Nam thật sự quá thông minh và kiên cường. Còn khi ghé thăm Làng Hòa Bình, chúng tôi thật sự không tưởng tượng nổi chất độc da cam/dioxin lại ảnh hưởng nặng nề đến người dân Việt Nam đến vậy dù cuộc chiến đã lùi xa từ rất lâu”.

Những người bạn Thụy Sĩ gặp gỡ báo chí tại TPHCM

TPHCM tri ân những người bạn Thụy Sĩ

2 người bạn Thụy Sĩ ấn tượng về một TPHCM năng động, phát triển

Xúc động câu chuyện 2 người bạn Thụy Sĩ treo cờ trên Nhà thờ Đức Bà ở Paris cách đây 55 năm

Hai người bạn Thụy Sĩ thăm Làng Hòa bình

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ những người bạn Thụy Sĩ

Những người bạn Thuỵ Sĩ xúc động trước những chứng tích của chiến tranh