Tự do ngôn luận không nằm ngoài khuôn khổ pháp luật

|

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng. Nghị định đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng và dư luận xã hội.

Góp phần ngăn chặn thông tin vi phạm trên mạng

Nghị định 147 có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2024, bao gồm nhiều nội dung mới như: quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới; xác thực tài khoản người dùng Internet; giám sát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Đặc biệt, Nghị định 147 yêu cầu lưu trữ, xác thực thông tin của người sử dụng mạng xã hội bằng số điện thoại di động hoặc số định danh cá nhân. Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin và chia sẻ thông tin. Quy định này nhanh chóng trở thành tâm điểm, thu hút nhiều luồng ý kiến. Những phần tử chống đối, cơ hội, định kiến với Việt Nam cũng bấu víu vào đó để vu cáo chúng ta xâm phạm quyền tự do ngôn luận.

Họ cho rằng với việc yêu cầu xác thực tài khoản, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc càn quét mạng xã hội, buộc người dân phải im lặng trong sợ hãi; trù dập ai có quan điểm, ý kiến trái chiều; tạo động lực cho những người chỉ biết a dua, nịnh hót...

Những luận điệu vừa nêu là hoàn toàn sai trái, với toan tính chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việt Nam luôn tôn trọng những giá trị chân chính của quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Trên phương diện pháp lý, quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận tại Điều 10 trong Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…” (Điều 25).

Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thể hiện quyền tự do phát ngôn, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình; ủng hộ, khuyến khích người dân tham gia phản biện xã hội; trân trọng mọi ý kiến mang tính đóng góp. Chính sách quản lý internet và mạng xã hội cũng rất cởi mở, thông thoáng.

Tính đến đầu năm 2024, cả nước ta có khoảng 78,44 triệu người sử dụng internet và 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội (73,3% dân số), thuộc tốp 20 thế giới.

Một số bài viết trên mạng xã hội vu cáo Chính phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận

Phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người

Hiện nay, các ứng dụng mạng xã hội khá phong phú và ngày càng trở thành kênh tương tác quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực. Do che giấu được thân phận, danh tính nên không ít người đã bộc lộ toàn bộ suy nghĩ thật của mình mà không suy tính đến hậu quả.

Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để gieo rắc tư tưởng độc hại, đồi trụy, cổ súy bạo lực, dung tục trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Tuyệt đối không thể nhân danh quyền tự do ngôn luận để cố tình che đậy những việc làm sai trái. Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc phát ngôn tùy tiện, ngang ngược mà phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 có quy định về quyền tự do ngôn luận, song cũng nhấn mạnh việc thực hiện quyền này “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Khi bước vào kỷ nguyên công nghệ, các quốc gia đều ý thức được những nguy cơ tiềm tàng trên không gian mạng, đồng thời đưa ra các quy định nhằm kiểm soát môi trường này một cách chặt chẽ hơn. Mỹ đã sớm ban bố Chiến lược về an ninh mạng quốc gia và sắc lệnh tăng cường khả năng kiểm soát của chính phủ đối với các nền tảng truyền thông xã hội.

Từ năm 2006, Nga đã cho ra đời Luật số 242-FZ về nội địa hóa dữ liệu, tập trung vào chính sách quản lý mạng xã hội, yêu cầu ghi chép, hệ thống hóa, lưu trữ và xác định dữ liệu người dùng.

Năm 2016, Liên minh châu Âu ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên internet nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn thù địch, tiêu cực. Một số quốc gia còn chủ trương chỉ phát triển mạng xã hội trong nước, cấm tuyệt đối việc sử dụng Facebook, Instargram, Twitter…

Nghị định 147 được Chính phủ ban hành nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, hữu ích, ngăn chặn mọi hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia cũng như thực tiễn pháp lý ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ giảm thiểu sự giả mạo, ẩn danh; giảm thiểu các thông tin thiếu chính xác; hạn chế lừa đảo trực tuyến.

Người dùng mạng xã hội phải cẩn trọng và chịu trách nhiệm về những gì mình lan tỏa trên mạng. Ngược lại, các cơ quan chức năng cũng sẽ thuận lợi hơn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc.

Với những tài khoản vốn đã rõ ràng, minh bạch, hoạt động hợp pháp, thiện chí thì việc tiến hành xác thực là hết sức bình thường, chẳng có gì đáng bàn luận. Phần đông người dân đều phấn khởi, ủng hộ Nghị định 147. Thực tế, tâm lý sợ hãi, lo ngại phần nhiều chỉ xảy ra ở các đối tượng vi phạm pháp luật, cũng như các tài khoản ảo, tài khoản ẩn danh, thường đăng tải, chia sẻ một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm.

Thật buồn cười với lập luận của những kẻ quen “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người” khi có nguy cơ lộ mặt thì lại lu loa vu cáo Chính phủ buộc người dân im lặng, sống trong sợ hãi. Với các phần tử này, nếu không làm được gì tốt cho đất nước, dân tộc thì buộc phải im lặng cũng là điều cần thiết.