Chuyên gia hiến kế để TPHCM bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

|

Sáng 27-11, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức tọa đàm “TPHCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc\

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Trong chuyên đề, đồng chí Tổng Bí thư trao đổi, phân tích làm rõ một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, làm cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu, nhiệm vụ - giải pháp tự định vị mình, xác lập mục tiêu cùng với lộ trình, giải pháp phù hợp để phát triển.

Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, TPHCM đều có những mô hình, cách làm mới đột phá, sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo cho các địa phương khác. Những năm qua, sự phát triển của TPHCM luôn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Thực tế này minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, năng động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM…

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Giải các điểm nghẽn

Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, cần có nhận thức thống nhất về nội hàm kỷ nguyên vươn mình là gì, từ đó đặt ra các mục tiêu thực hiện. Theo đồng chí, đây là kỷ nguyên để vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến lên nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Hoặc là kỷ nguyên hoàn thành nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Hiến kế để TPHCM bước vào kỷ nguyên mới, đồng chí Phạm Chánh Trực gợi mở, trước hết, TPHCM phải sớm xử lý các điểm nghẽn, bởi còn điểm nghẽn còn cản trở sự phát triển. Chỉ rõ 3 điểm nghẽn nổi bật về giao thông đô thị, rác thải và nhà ở cho người dân, đồng chí Phạm Chánh Trực cho rằng, đô thị trên 10 triệu dân nhưng hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng, còn vấn đề xử lý rác thải đặt ra hàng chục năm nay nhưng cũng chưa giải quyết được.

Đồng chí Phạm Chánh Trực phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Tiếp theo, TPHCM cần điểu chỉnh cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp 4.0; chuyển dịch sang kinh tế xanh từ năng lượng, sản xuất nông sản đến phát triển giao thông xanh. Trong xây dựng phát triển kinh tế, TPHCM cần thúc đẩy liên kết vùng với việc phát triển đường sắt tốc độ cao vừa vận chuyển hành khách vừa vận chuyển hàng hóa để giảm chi phí logistic.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, đánh giá chưa bao giờ TPHCM có cơ hội tốt như bây giờ. Đó là cơ hội khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo của thành phố để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Theo TS Trần Du Lịch, đây là kỷ nguyên mang ý nghĩa một thời kỳ mà dân tộc Việt Nam nỗ lực hết mình nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại tọa đàm

Từ đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần bám vào 5 nội hàm chính. Về kinh tế, cần chuyển từ đang phát triển thành phát triển thịnh vượng với sự gia tăng sản xuất mạnh mẽ.

“Chúng ta giải công nghiệp hóa quá sớm, thành ra phải tăng mạnh sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đi đầu về kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao đời sống người dân”, TS Trần Du Lịch chia sẻ. Tiếp đó, cần tự hào văn hóa lịch sử dân tộc, bảo tồn, phát triển giá trị truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Về giáo dục, phải đầu tư mạnh mẽ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng xu hướng phát triển toàn cầu. Hoạt động đối ngoại nước ta tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ chủ quyền an ninh.

Điều quan trọng nhất, theo TS Trần Du Lịch là phải khẳng định được nền kinh tế độc lập tự chủ trong thời đại toàn cầu hóa, đến năm 2045 là nước phát triển.

Phát triển hạ tầng đồng bộ

Trả lời câu hỏi TPHCM cần làm gì, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. TPHCM cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và tiềm lực khoa học công nghệ; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh để chuyển mình, bước qua giai đoạn phát triển mới.

Cùng với đó, cần xác lập vị trí, vai trò của TPHCM 10 năm tới. Trong đó, GRDP của TPHCM phải duy trì được tốc độ cao, ít nhất phải cao hơn cả nước 1,2-1,5 lần trong 5 năm tới và hơn 1,5 lần trong thời gian tiếp theo, thì mới thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt mà TPHCM từng đạt được.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế ở TPHCM phải có tính thị trường cao nhất cả nước. Thành phố phải nâng cao vai trò cửa ngõ giao thương, là địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế; đi đầu trong chuyển đổi số, kinh tế xanh, giảm khí thải nhà kính và địa phương đi đầu trong net zero; trong thời đại mới TPHCM phải là nơi khởi nghiệp, thành phố toàn cầu.

Chuyên gia phát biểu tại tọa đàm

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, TPHCM cần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt là đến năm 2035 phải hoàn thành 180km đường sắt đô thị. Không dừng lại đó, TPHCM phải tiếp tục mở rộng kết nối đường sắt đô thị toàn vùng với hơn 500km nữa trong thời gian tiếp theo. Như vậy, giao thông kết nối vùng TPHCM cơ bản kết nối bằng đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, TPHCM cần sớm triển khai đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ, nghiên cứu phương án kết nối với Cảng trung chuyển Cần Giờ.

Ngoài ra, với những gì đã có TPHCM phải triển khai được, như định hình trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm dữ liệu Big Data, tập trung tháo gỡ vướng mắc để các dự án Big Data phát triển phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là chuyển đổi chức năng của 5 khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng công nghệ cao.

TPHCM cũng cần sớm xóa nhà trên và ven kênh rạch, thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị 3 trong 1 như dự án rạch Xuyên Tâm, vừa giải quyết vấn đề môi trường, nhà ở và mỹ quan đô thị; tạo sự đột phá cho chương trình nhà ở, xây dựng các chung cư cũ, quy hoạch dân cư, bố trí dân cư phù hợp. Đồng thời, xây dựng chương trình chỉnh trang đô thị ở từng quận gắn với tổ chức lại kinh tế vỉa hè, đặc biệt xây dựng các bãi đậu xe ngầm, không gian ngầm, phát triển TOD.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, phải lượng hóa được và chọn ra các chỉ tiêu quan trọng cho giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo.

TS Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Lấy ví dụ về hạ tầng giao thông, trước năm 2022, TPHCM chưa có đường vành đai nào được hình thành. Nhưng đến hết nhiệm kỳ này, TPHCM đã có đường vành đai 3 đang xây dựng, chuẩn bị đường Vành đai 4 và khép kín đường Vành đai 2. Như vậy, trong 5 năm tới, TPHCM có hệ thống đường vành đai khép kín, mở ra quỹ đất có thể phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).

TPHCM cũng phấn đấu hoàn thành 183km đường sắt đô thị trong hơn 10 năm tới; di dời hơn 46.000 nhà ven kênh và phấn đấu GRDP đầu người đến năm 2030 đạt 13.000 USD/người/năm. Để thực hiện được các nhiệm vụ này, TPHCM đề ra nhiệm vụ rất quan trọng là làm sao để huy động được nguồn lực cho phát triển.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM tiên phong cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình