​ Hơn một nửa công chức vụ, cục giữ chức danh quản lý

|

Ngày 7-8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã tổ chức phiên họp thứ 3 để làm việc với Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát tại phiên họp, từ năm 2007 đến nay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được sắp xếp theo hướng thu gọn đầu mối, còn 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cũng từng bước được sắp xếp giảm dần đầu mối, bước đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở một số lĩnh vực. Từ năm 2011 - 2016, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được rà soát để phân định rõ thẩm quyền của từng cơ quan; cơ cấu tổ chức của Chính phủ tiếp tục được giữ ổn định, không tăng bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên. Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, thẳng thắn nhìn nhận, tuy đã thu gọn đầu mối các bộ nhưng số “bộ trong bộ” – các tổng cục và cục - tăng thêm. Các cơ quan này không bao giờ bị chất vấn, trong khi cũng có quyền cấp các loại giấy phép, tạo ra các tầng nấc phải xin - cho. Ông Lê Mạnh Hà bình luận, tuy đã giảm đầu mối, nhưng thực chất người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả các địa phương vẫn bị “hành”, không kiểm soát được.

Bên cạnh đó, vẫn có sự mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Tại các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, số công chức giữ vị trí cán bộ quản lý trong tổng số công chức chiếm tỉ lệ 4/7, tức là hơn một nửa. Việc thực hiện quy định về quản lý tinh giản biên chế ở nhiều bộ ngành địa phương chưa nghiêm, chưa đi vào thực chất. Số lượng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ ngành địa phương tăng nhanh; tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định tại các bộ ngành địa phương diễn ra khá phổ biến. Tính đến 30-11-2016, tổng số lao động hợp đồng lên tới gần 145.000 người.   

Dự thảo báo cáo giám sát nêu trên sẽ tiếp tục được UBTVQH cho ý kiến bổ sung, hoàn thiện tại phiên họp thứ 13 của UBTVQH, khai mạc ngày 10-8 tới đây.