Sáng 11-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, những năm qua công tác giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp từng bước có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các cấp trong giải quyết TTHC, đồng thời, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện TTHC.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế vẫn tồn tại khi giải quyết TTHC. Theo Phó Thủ tướng, nhiều bộ ngành, địa phương, người dân còn phàn nàn về trình độ và thái độ ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa, tình trạng để quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn, điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.
Hội nghị trực tuyến sáng 11-9-2018. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và trình độ dân trí càng được nâng cao thì việc hoàn thiện bộ máy phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các giao dịch giữa người dân và cơ quan nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bên cần đánh giá thẳng thắn, khách quan những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương, cần đề ra các giải pháp tháo gỡ và nâng cao chất lượng hoạt động và giải quyết TTHC, các giải pháp tổ chức, vận hành Trung tâm Hành chính công, bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, phát huy cao nhất vai trò của cán bộ công chức được cử ra làm việc tại bộ phận một cửa, tránh tình trạng công chức bộ phận một cửa như là văn thư cấp cao như trước đây.
Theo Văn phòng Chính phủ, chủ trương nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã được cụ thể hóa thành các quy định và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, tập trung vào một số nhóm giải pháp như hoàn thiện thể chế với việc tập trung ban hành một số văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện nghị định như các thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều của Nghị định 61/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa…
Nhóm giải pháp về kiện toàn tổ chức, trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết hành chính tại Bộ phận một cửa theo hướng nâng tỷ lệ giải quyết “4 tại chỗ”, phát huy cao nhất hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức được cử ra làm việc.
ĐỖ TRUNG