Bỏ chứng thực sao y - thêm thời gian lo việc của dân

|

UBND quận huyện, xã phường đang trong tình trạng quá tải việc sao y, chứng thực giấy tờ. Để đột phá trong cải cách hành chính, vấn đề thiết thân đặt ra: cần xã hội hóa hoạt động chứng thực, sao y để giảm tải cho cả cơ quan công quyền và người dân; tiến tới bỏ hẳn yêu cầu đòi hỏi bản sao hồ sơ, giấy tờ phải được sao y chứng thực.  \r\n

Ký từ sáng đến tối

Ghé UBND phường Đa Kao (quận 1, TPHCM) để sao y một xấp giấy tờ, ông Nguyễn Duy Nam (ngụ quận 1) cho hay ông chuẩn bị sang nhượng một lô đất. Trước khi làm thủ tục, ông đi chuẩn bị bản chính, bản sao các giấy tờ cá nhân, hộ khẩu và sao y các bản sao. “Bản sao giấy tờ thì đã có bản chính ở bên để nhìn vào đối chiếu, lại cứ đòi phải sao y làm gì cho mất thời gian”, ông Nam phàn nàn.

Tại UBND phường Đa Kao, hàng ngày có khoảng 100 - 120 lượt người dân đến làm thủ tục sao y, chứng thực như ông Nam, với số lượng hồ sơ khoảng 250 bản/ngày. Để đảm bảo phục vụ người dân kịp thời, UBND phường bố trí 2 cán bộ chuyên ngồi ở bộ phận sao y, chứng thực và 1 lãnh đạo phường ngồi ngay đó để trực ký trên các giấy tờ này.

“Số bản ký sáng thứ bảy khoảng 150 bản, còn ngày làm việc trong tuần lên đến 750 bản/ngày. Như vậy, mỗi tuần là gần 4.000 chữ ký, mỗi tháng khoảng 16.000 chữ ký. Phường có 3 lãnh đạo, phải phân công luân phiên trực ký hàng ngày và khi đã trực ký giấy tờ thì không còn thời gian để làm việc gì khác”, bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, cho hay.

Lãnh đạo UBND một phường (đề nghị không nêu đơn vị công tác) cho biết bình quân hàng năm, số lượng hồ sơ người dân nộp để chứng thực bản sao từ bản chính - gọi tắt là chứng thực - tại UBND phường là gần 18.000 bản; đồng nghĩa lãnh đạo UBND phường phải ký gần 18.000 chữ ký.

“Nói thật là chúng tôi rất mệt mỏi với việc ký chứng thực vì có nhiều lúc phải ký từ sáng sớm đến chiều tối, có khi thời gian dành để ký chứng thực chiếm hơn 7 tiếng đồng hồ trong ngày làm việc. Do vậy, cán bộ lãnh đạo phường xã thị trấn thường không có nhiều thời gian để đi thực tiễn ở cơ sở; trong khi đây là điều quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành”, ông chia sẻ.

Chứng thực sao y tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 (ngày 20-6-2014) về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính; Nghị định 23/2015 cũng quy định cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao giấy tờ, tài liệu trong thủ tục hành chính không được yêu cầu bản sao có chứng thực, nhưng tình trạng này vẫn còn khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Việc “lạm dụng” bản sao có chứng thực không những gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội, mà còn tạo nên áp lực, quá tải đối với UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác chứng thực.

Cán bộ và dân đều ưng

Sự lãng phí về thời gian và tiền bạc của người dân thể hiện qua số lượng rất lớn bản sao được chứng thực tại các UBND phường xã thị trấn và UBND quận huyện. Tại Phòng Tư pháp quận 10 và UBND 15 phường trên địa bàn quận, trong năm 2017 có 987.169 bản sao được chứng thực, năm 2018 con số này là 1.065.158 bản.

Tại quận 1, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng HĐND và UBND quận 1, cho hay năm 2018 quận giải quyết gần 585.000 hồ sơ hành chính thì có đến gần 429.000 (chiếm 73%) là hồ sơ sao y, chứng thực. Đặc biệt, lượng hồ sơ sao y chứng thực chiếm đại đa số trong tổng số hồ sơ hành chính được giải quyết ở 10 phường, lên đến hơn 90%.

Về việc sao y, trong nhiều buổi làm việc về cải cách hành chính trên địa bàn TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng cần phải tính đến giải pháp xã hội hóa hoạt động sao y chứng thực, giúp cán bộ, công chức, viên chức có thêm thời gian tập trung cho công tác quản lý.

Thời gian qua, quận 1 đã yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc quy định về việc tiếp nhận bản sao không có chứng thực và tự đối chiếu với bản chính tại các cơ quan; không được yêu cầu người dân phải nộp bản sao có chứng thực nếu pháp luật không có quy định cụ thể. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian đi lại, đồng thời giảm áp lực cho các cơ quan.

Nhiều giấy tờ được công chức, viên chức các phòng, ban chuyên môn của quận 10 tự đối chiếu bản sao với bản chính. Ảnh: ÁI CHÂN
Ở cấp cơ sở, bà Ngô Hải Yến cho hay, phường rất tâm đắc, rất mong muốn nếu việc sao y chứng thực được chuyển giao cho xã hội thực hiện, thậm chí, hay hơn nữa là bỏ sao y chứng thực, chỉ đối chiếu bản chính để cán bộ đỡ quá tải, người dân cũng đỡ mệt mỏi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1, cũng tán đồng về việc quận, phường “nhả” hoạt động chứng thực, giúp quận, phường tập trung vào những việc quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2015 đến nay, số yêu cầu chứng thực bản sao trong cả nước tiếp tục tăng. Năm 2016 chứng thực 97.126.230 bản sao (tăng 18.539.184 bản so với năm 2015); năm 2017 chứng thực 116.881.069 bản sao (tăng 19.754.839 bản so với năm 2016); 6 tháng đầu năm 2018 chứng thực 63.595.582 bản sao (tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017).

Tại quận 10, tháng 8-2018 Chủ tịch UBND quận Trần Xuân Điền đã ký văn bản yêu cầu thủ trưởng các phòng ban chuyên môn trực thuộc UBND quận 10 và Chủ tịch UBND 15 phường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Lê Quang Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Nhà Bè, chia sẻ rằng huyện rất muốn trả sao y chứng thực cho các tổ chức hành nghề. “Công chứng khó hơn sao y chứng thực mà xã hội còn làm được, thì chuyển sao y chứng thực cho các tổ chức hành nghề là hoàn toàn khả thi. Việc gì xã hội “gánh” được thì cơ quan nhà nước không cần ôm đồm”, ông Lê Quang Sơn nói.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: Xây dựng nền hành chính tin tưởng vào dân

Xã hội hóa hoạt động chứng thực sao y bản chính là việc cần thiết, vừa giảm tải cho cơ quan công quyền vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Theo tôi, UBND chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không nên chứng thực bản sao có thu phí; và cán bộ, công chức nên dành thời gian để làm những việc khác phục vụ người dân, thay vì mất công sức cho hoạt động chứng thực như hiện nay.

Về lâu dài, tôi cho rằng nên đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ việc đòi hỏi bản sao hồ sơ, giấy tờ phải được chứng thực quá nhiều như hiện nay. Cơ quan nhà nước cần phải tập thói quen tin tưởng người dân. Để khi người dân nộp bản sao hồ sơ chỉ cần ghi dòng chữ “Tôi cam đoan chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ”, còn người nhận hồ sơ thì ghi “Tôi đã so sánh, bản sao giống với bản chính” là xong.  

Luật sư LÂM QUANG QUÝ, Đoàn Luật sư TPHCM: Tiến tới bỏ hẳn sao y chứng thực

TPHCM hoàn toàn có thể cải cách hành chính ngay trong việc xã hội hóa sao y chứng thực, chuyển giao công việc này cho các tổ chức hành nghề công chứng, hay văn phòng luật sư thực hiện. Đặc biệt, để cải cách mạnh mẽ hơn, thì tiến tới bỏ hẳn sao y chứng thực. Không nên bắt người dân phải có nghĩa vụ “chứng minh” quá nhiều khi nộp các loại hồ sơ, giấy tờ.

Khi tiếp nhận hồ sơ người dân nộp, cán bộ - công chức có thể đối chiếu bản sao với bản chính. Như vậy, bỏ sao y chứng thực là một việc rất dễ dàng mà mang lại hiệu quả lớn, dân và cán bộ đều đỡ mệt.