Sẵn sàng cấp căn cước mới cho người dân

|

Bộ Công an đã chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ để bắt đầu từ hôm nay 1-7, tiến hành cấp căn cước mới cho công dân theo Luật Căn cước.

Vận hành thử hệ thống thu nhận sinh trắc học vân tay đối với công dân từ 6 đến dưới 14 tuổi. Ảnh: GIA KHÁNH

Sinh trắc học để không thể làm giả

Luật Căn cước quy định nhiều điểm mới, trong đó quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt khi công dân đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Sinh trắc học mống mắt được cơ quan công an thu thập cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt.

Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc...

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, giúp người dân tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch trực tuyến.

Lập các tổ cấp lưu động

Theo quy định, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước mới. Theo đại diện C06, thẻ căn cước mới có giá trị tương đương như thẻ căn cước công dân.

Trong ngày 30-6, theo ghi nhận của phóng viên SGGP, công an các quận ở Hà Nội đã gửi thông báo đến các nhóm dân cư ở các phường để người dân biết, chủ động khi làm thẻ căn cước mới.

Công an kiểm tra thiết bị thu thập sinh trắc học mống mắt. Ảnh: CHÍ THẠCH

Theo lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội), công an quận triển khai đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi theo hình thức cố định và lưu động. Đối với công dân dưới 14 tuổi khi thu nhận hồ sơ cấp căn cước cần có bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đi theo để xác thực thông tin trên phiếu thu nhận và ký xác nhận.

Trong khi đó, lãnh đạo C06 thông tin thêm, Bộ Công an đã thành lập các tổ công tác cấp căn cước lưu động phục vụ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước (sử dụng hộ chiếu Việt Nam) tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế từ 1-7. Để đảm bảo quyền lợi của công dân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, thì công dân Việt Nam ở nước ngoài cần thực hiện cập nhật thông tin dữ liệu dân cư của mình trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để được cấp mã số định danh và cấp căn cước.

Đến nay, Phòng Xét nghiệm di truyền Genestory (Công ty cổ phần Genestory) là đơn vị đầu tiên được lựa chọn phê duyệt tham gia xét nghiệm, phân tích sinh trắc học ADN nhận diện cá thể người để phục vụ triển khai Luật Căn cước và các tiêu chí về việc kết nối đến cơ sở dữ liệu căn cước.

TPHCM: Cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người Việt Nam chưa xác định quốc tịch

Ghi nhận của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng tại trụ sở Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM, máy móc, trang thiết bị được chuẩn bị đầy đủ. Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng được trang bị máy quét thu thập sinh trắc học mống mắt và cán bộ phụ trách đều được tập huấn cách vận hành.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng PC06, cho biết, ngoài việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Công an TPHCM đã tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống. Công an TPHCM cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị, chính quyền địa phương.

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, từ 8 giờ ngày 1-7, công an sẽ làm thủ tục cho người dân tại trụ sở tiếp dân Phòng PC06, bộ phận một cửa công an cấp huyện… Phòng cũng thí điểm thu nhận thông tin cấp căn cước có tích hợp thêm sinh trắc học ADN cho người dân có nhu cầu tại Phòng và Công an quận Tân Bình, Công an quận 1, Công an TP Thủ Đức. Đồng thời, cấp Giấy chứng nhận Căn cước với một số trường hợp là người Việt Nam chưa xác định quốc tịch tại Công an quận 10, quận 11, quận Bình Tân.

Thời gian nhận hồ sơ từ thứ hai đến thứ sáu và sáng thứ bảy hàng tuần. Sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30; chiều từ 13 giờ đến 18 giờ và tối từ 18 giờ đến 21 giờ. Thủ tục cấp căn cước gồm: cung cấp thông báo định danh hoặc Căn cước công dân. Nếu người dân có nhu cầu tích hợp thêm thông tin giấy tờ thì cần cung cấp thêm giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, ADN (nếu có). Người dân có thể đăng ký lịch hẹn qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trình tự cấp thẻ căn cước cho công dân từ dưới 6 tuổi đến dưới 14 tuổi

Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi cung cấp thông tin để làm thủ tục cấp căn cước. Sau đó, cán bộ thu nhận thực hiện khai thác thông tin của trẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi có thông tin, cán bộ thu nhận thực hiện tạo lập hồ sơ cấp căn cước từ thông tin khai thác được.

Với trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thêm thông tin (giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế…) thì cán bộ thu nhận tiếp nhận yêu cầu tích hợp thêm giấy tờ.

Cuối cùng, cán bộ thu nhận in phiếu thu nhận thông tin căn cước và người đại diện hợp pháp của trẻ kiểm tra thông tin trên phiếu rồi ký nhận.

Trong khi đó, trình tự cấp thẻ căn cước cho công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi được thực hiện với nhiều quy trình hơn. Một trong những quy trình đó là: người đại diện hợp pháp của trẻ cung cấp thông tin của trẻ cho cán bộ thu nhận hồ sơ. Cán bộ thu nhận sau đó tạo lập hồ sơ, thu nhận thông tin sinh trắc như vân tay, mống mắt, ảnh khuôn mặt… Sau đó người đại diện hợp pháp cho trẻ kiểm tra thông tin và ký nhận rồi nhận hẹn kết quả.