TP Hồ Chí Minh: Mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý

|

Những nhân sự trúng tuyển từ việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở TPHCM đã tiếp cận nhanh với công việc, phát huy được năng lực, sở trường. Từ tiền đề quan trọng này, trong năm 2024, TPHCM tiếp tục thí điểm và mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, quận, huyện.

Các ứng viên thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

Cần có bộ đề thi phù hợp

Qua 1 năm thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, TPHCM đã đạt được những kết quả tích cực.Có 7 cơ quan, đơn vị đã hoàn thành công tác thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý. Bà Phạm Thị Hoàn, người trúng tuyển vị trí Trưởng Phòng Tư pháp TP Thủ Đức, cho biết, quá trình thi tuyển giúp ứng viên hệ thống lại kiến thức, củng cố kỹ năng lãnh đạo và quản lý.

Theo bà Hoàn, việc mở rộng đối tượng dự tuyển đã tạo cơ hội cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức có tâm huyết được thử sức; đồng thời góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, khi có nhiều người tham gia thi tuyển sẽ giúp lựa chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài và phù hợp với vị trí công tác.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc thí điểm thi tuyển này cũng còn một số vấn đề cần cải thiện. Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý vừa tạo sự cạnh tranh, vừa giúp các ứng viên có cơ hội chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện rõ năng lực quản lý và kỹ năng lãnh đạo. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình thi tuyển đạt hiệu quả cao, cần có bộ đề thi phù hợp, đánh giá đúng năng lực và trình độ của ứng viên ở mỗi vị trí.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho rằng, việc tổ chức thi tuyển đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực, tốn kém về thời gian, do đó không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp bổ nhiệm. TPHCM cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp nào bắt buộc phải tổ chức thi tuyển, trường hợp nào có thể áp dụng phương thức bổ nhiệm truyền thống.

Mở rộng sang khối Đảng và đoàn thể

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Duy Tân, việc thí điểm thi tuyển các chức danh đã tạo được sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn người có năng lực phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức; tạo động lực cho cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Các ứng viên thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, kết quả sau 1 năm thí điểm sẽ là kinh nghiệm để TPHCM hoàn thiện cách thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục thí điểm và mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, quận, huyện và một số doanh nghiệp nhà nước.

Phó Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Thái Thị Bích Liên cho biết thêm, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý của khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc này nhằm đồng bộ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong toàn hệ thống chính trị của thành phố.

TS HỒ NGỌC ĐĂNG, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM:

Mở rộng đối tượng, vị trí thi tuyển lãnh đạo, quản lý

TPHCM tiếp tục làm tốt việc kết hợp giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác thi tuyển. Kết hợp hai phương thức này giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa có kinh nghiệm, vừa có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Mở rộng đối tượng và vị trí thi tuyển lãnh đạo quản lý cũng là điều cần cân nhắc thực hiện.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tuy nhiên, TPHCM lưu ý các yếu tố khi quyết định mở rộng thi tuyển. Đó là, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị có những đặc thù riêng, cần có những điều chỉnh phù hợp; học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương đã triển khai thi tuyển để rút ra bài học kinh nghiệm.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Xây dựng hệ thống tuyển chọn nhân sự nghiêm ngặt

TPHCM cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống tuyển chọn nhân sự nghiêm ngặt. Điều này đảm bảo chỉ những ứng viên xuất sắc và phù hợp nhất mới được chọn vào làm việc trong hành chính công. Hệ thống này tạo ra một đội ngũ công chức có trình độ cao và chuyên nghiệp.

Có thể, TPHCM cần thành lập một cơ quan chuyên trách (gọi là Ban nhân sự công TPHCM) để làm công việc này. Cơ quan này cần có được vị thế độc lập; có quyền tự chủ trong việc tổ chức thi tuyển, đánh giá và tuyển dụng công chức. Các quy trình tuyển dụng thực hiện một cách chuyên nghiệp, minh bạch và công bằng. Mọi thông tin về kỳ thi tuyển dụng công khai rộng rãi để người dân có thể theo dõi và giám sát.

Sau khi được tuyển chọn, các công chức của TPHCM đều phải trải qua các khóa đào tạo chuyên sâu và liên tục để nâng cao kỹ năng, kiến thức. Điều này đảm bảo rằng họ có thể đối phó với những thách thức kinh tế và xã hội phức tạp, thích ứng với sự thay đổi của công nghệ cũng như môi trường toàn cầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương:

Cần tổng kết, nghiên cứu nhân rộng cả nước

Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, các bộ ngành ở Trung ương và các địa phương trong cả nước đã thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trên nhiều lĩnh vực.

Thi tuyển mang đến sự công bằng, công khai, mang tính chất động viên rất lớn đối với những người có năng lực, có nhiệt huyết cống hiến, cán bộ trẻ để họ tham gia thi tuyển.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga

Thi tuyển còn loại trừ được các trường hợp có thể xảy ra tiêu cực như bổ nhiệm người nhà, người thân, phe cánh... hoặc bổ nhiệm người không đủ năng lực (về mặt hồ sơ thì nhìn thấy đầy đủ bằng cấp, tiêu chí chung).

Tuy nhiên, hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý vẫn chưa được áp dụng rộng rãi mà chỉ dừng lại ở thí điểm. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn rụt rè trong việc thực hiện hình thức thi tuyển này, mà phần lớn thực hiện bổ nhiệm theo cách truyền thống.

Vì vậy, thời gian tới, trước khi quyết định nhân rộng thì rất cần tổng kết trên cả nước. Trong đó, các bộ ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức thi tuyển được bao nhiêu chức danh lãnh đạo, quản lý.

Những người trúng tuyển và đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đã chứng minh năng lực như thế nào trong công việc. Hình thức này còn những khó khăn, vướng mắc nào để rút kinh nghiệm. Cá nhân tôi ủng hộ việc nhân rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý vì đây là xu hướng tất yếu.

Ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:

Loại trừ tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ

Việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu.

Phương thức này tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, góp phần lựa chọn những người có đức, có tài, phát huy phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung

Việc tổ chức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển cũng hạn chế và loại trừ tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Tôi tin rằng, thời gian tới TPHCM sẽ mở rộng dần đối tượng thi tuyển, mở rộng cơ quan, đơn vị và các chức danh lãnh đạo, quản lý để thu hút được nhiều ứng viên thi tuyển và chọn được nhiều nhân sự đủ đức, đủ tài góp phần xây dựng và phát triển TPHCM nhanh, bền vững.