Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy do con người quyết định

|

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Nội vụ.

Ngày 21-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành nội vụ. Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo.

Chia sẻ về công việc của ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho hay, sau khi được giao phụ trách Bộ Nội vụ, được “lăn lộn” với ngành nội vụ, ông cảm thấy khối lượng công việc của ngành rất lớn, tính chất công việc nhạy cảm liên quan tới chính sách, từng người lao động…

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, với tính chất công việc như vậy, nếu làm tốt không sao, chưa chắc được khen, nhưng sơ suất thì rất dễ bị chê. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã làm được nhiều việc khó.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tập thể lãnh đạo, cán bộ Bộ Nội vụ đã thực hiện các công việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tuân thủ chỉ đạo, định hướng, nhất là trong tinh gọn bộ máy...

Về việc tham mưu chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong thực hiện tinh gọn bộ máy lần này, Phó Thủ tướng Thường trực nói, ngày hôm nay phải "nộp bài" cho Bộ Chính trị về nội dung này để thông qua khi làm sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đồng chí chia sẻ, không biết tới đây Bộ Chính trị thông qua như thế nào nhưng về cá nhân, ông cảm thấy rất yên tâm trong việc tham mưu nội dung này của Bộ Nội vụ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cần tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế. Theo đó, một việc cần tiếp tục suy nghĩ đó là làm sao thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ người tài; và toàn hệ thống phải làm điều này.

Bộ máy có khoa học, tinh gọn, hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy phải do con người quyết định. "Hai vụ, hai phòng, nếu hai trưởng phòng dở thì cùng dở. Nếu một anh giỏi, một anh dở thì chỉ một phòng hỏng. Còn nhập lại, nếu để anh dở làm trưởng thì có khi hỏng cả hai phòng. Cho nên, phải đánh giá, sử dụng đúng cán bộ", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nói thêm.

Về nhiệm vụ trong năm 2025 của ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh thêm một số nội dung. Trong đó, việc thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 đang được thực hiện rất khẩn trương, rất quyết liệt, rất quyết tâm. Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn hệ thống chứ không phải chỉ Bộ Nội vụ.

Phải làm khẩn trương, quyết tâm của Bộ Chính trị hoàn thành đúng thời hạn trước 10-2-2025, các cơ quan Đảng phải gương mẫu làm trước. Hệ thống tạp chí của Đảng, tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị thì kết luận phải triển khai ngay. "Cơ quan Chính phủ, Quốc hội còn liên quan đến các quy định của pháp luật nhưng cơ quan Đảng, hạn cuối là ngày 10-2-2025 phải xong. Anh nào làm trước thì hoan nghênh", Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Trong tinh gọn bộ máy, tất cả các bộ, địa phương phải tinh gọn từ bên trong và tối thiểu phải giảm 15-20%. Cá biệt, có đơn vị Chính phủ đặt ra yêu cầu phải giảm 40% như một số vụ, viện.

Với riêng Bộ Nội vụ trong thực hiện tham mưu Nghị quyết 18, có 4 nhiệm vụ rất quan trọng. Thứ nhất, phải tham mưu xây dựng mô hình bộ máy tinh gọn. Việc này đang thực hiện và hợp nhất của Trung ương sẽ là cơ sở cho địa phương thực hiện.

Thứ hai, hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi để khuyến khích, hỗ trợ cho người lao động khi thực hiện tinh gọn bộ máy.

Thứ ba, hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động như nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chức năng nhiệm vụ, quy chế.

Thứ tư, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc này.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Việc đổi mới, sáng tạo để tiến lên phía trước, nhưng cũng phải đề phòng rủi ro. Về các rủi ro, cần phải tránh nhập cơ học hay nhập nhưng có chỗ không hợp lý. Một rủi ro khác, phải rất đề phòng, không để cơ quan Nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng. Do đó, công tác cán bộ cần tránh việc người tài xin nghỉ, còn người dở ở lại.

Để bộ máy mới hoạt động, đồng chí cho rằng cần có hạ tầng pháp lý tốt, bao gồm các luật liên quan sửa đổi và dưới đó là một loạt nghị định, thông tư... và đây là "một núi việc cho Bộ Nội vụ" thực hiện.

Bộ Nội vụ là một trong các bộ sẽ thực hiện hợp nhất với Bộ LĐTB-XH. Do vậy, công việc cũ đang thực hiện, những việc mới cần chuẩn bị tâm thế. Bộ Nội vụ hiện nay và Bộ Nội vụ - Lao động sau hợp nhất phải sẵn sàng đảm nhận, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “tăng tốc” để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trong năm, toàn ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách, tiếp tục kiến tạo thể chế, khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất. Đặc biệt đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả.

Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.