Trọng tài quốc tế Trần Thanh Tùng: Đi là để trải nghiệm

|

Dẫu bận đến mấy với công tác giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội thì cứ đến những giải đấu quan trọng của bóng chuyền Việt Nam hoặc quốc tế là trọng tài Trần Thanh Tùng lại đề xuất Ban giám hiệu nhà trường cho đi bằng được. Theo Tùng, đấy luôn là những lần trải nghiệm bổ ích, giúp anh rèn luyện bản lĩnh, học hỏi thêm kỹ năng điều khiển trận đấu từ các đồng nghiệp khác…

\r\n

Trọng tài quốc tế Trần Thanh Tùng.

Tốt nghiệp loại xuất sắc hồi năm 2004, trọng tài Trần Thanh Tùng được tăng cường cho những giải đấu quốc gia ngay trong năm đó, sau khi được chính những trọng tài giàu kinh nghiệm đi trước đánh giá đầy tiềm năng. Vậy là chàng giảng viên của Trường Đại học Hà Nội bén duyên với “nghề tay trái” kể từ dạo ấy. Tùng cũng là 1 trong 3 trọng tài Việt Nam được cử tham dự lớp học do Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) tổ chức tại Thái Lan vào năm 2014, cùng với 2 đồng nghiệp Nguyễn Việt Hoà (Phó giám đốc Trung tâm TDTT Đại học Quốc gia) và Nguyễn Thị Thanh Hoa (Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam).

Trọng tài Trần Thanh Tùng (phải) đang là Trưởng bộ môn GDTC của Đại học Hà Nội.
“Làm bóng chuyền thật thú vị, nhất là với vai trò của một trọng tài, người có góc quan sát rộng và rõ ràng nhất mọi tình huống diễn ra trên sân đấu. Đối với tôi, bóng chuyền là tình yêu, còn nghề trọng tài là đam mê. Tôi vốn mong trở thành một người “cầm cân nảy mực” và giờ thì hài lòng với hơn 10 năm theo đuổi công việc thứ hai ngoài nghề giảng dạy. Để làm tốt được cả hai công việc, tôi phải lên kế hoạch và sắp xếp mọi thứ thật khoa học và hạn chế đến mức tối đa việc này gây ảnh hưởng đến việc khác”, Thanh Tùng tâm sự.
Trọng tài Trần Thanh Tùng (đứng, thứ 5 từ trái qua) tại một giải đấu quốc tế.
Thật ra, từ lúc chập chững bước chân theo nghề cho đến hiện tại đã trở thành trọng tài đẳng cấp châu Á, chàng trai sinh năm 1978 vẫn nuôi dưỡng một niềm đam mê đặc biệt đối với bóng chuyền. Cứ có giải thì xin đi, trong nước và cả quốc tế, tất nhiên là sau khi được Ban giám hiệu Trường Đại học Hà Nội chấp thuận, bởi vì theo Tùng, đi là để trải nghiệm, là để học hỏi và cứng cáp dần lên về chuyên môn. Đối với một trọng tài, điều quan trọng vẫn luôn là những trận đấu, những giải đấu từ cấp độ nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp.

Tùng kể: “Tôi may mắn là luôn được nhà trường tạo điều kiện cho tham gia điều hành các giải đấu trong nước cũng như quốc tế khi được Liên đoàn bóng chuyền điều động. Học từ các đàn anh đi trước, từ đồng nghiệp cùng lứa và cả bạn bè quốc tế sẽ giúp đội ngũ trọng tài như chúng tôi chính xác và công tâm hơn trong công việc. So với các trọng tài quốc tế, trình độ chuyên môn của các trọng tài Việt Nam hiện nay không hề thua kém. Thậm chí, chúng tôi được đánh giá cao về tác phong và sự chuyên nghiệp”.

Trọng tài Thanh Tùng điều hành trận đấu tại SEA Games.
Ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - đánh giá: “Thanh Tùng và nhiều trọng tài trẻ khác rất vững về chuyên môn, hiểu sâu về luật bóng chuyền và luôn nhiệt tình,  trách nhiệm khi điều hành trận đấu. Còn về sinh hoạt đời tư, họ là những con người quảng giao và khoáng đạt. Tôi cho rằng đây là những hình mẫu về chuyên môn và cũng là tấm gương giúp các đồng nghiệp khác noi theo. Họ chính là những nhân tố góp phần thúc đẩy bóng chuyền Việt Nam phát triển mạnh theo xu hướng chung của khu vực và thế giới”.
Vị Trưởng Khoa GDTC của Trường Đại học Hà Nội đôi khi khiến người mới gặp lầm tưởng là “hot boy” của đội bóng nào đó chứ không phải một trọng tài nghiêm khắc và bản lĩnh trên ghế điều khiển một trận đấu, nhờ dáng vẻ thư sinh và lành tính, nhờ diện mạo tươi tắn và trẻ trung của mình. Ấy vậy nhưng, “bộ sưu tập” điều khiển các cấp độ giải đấu của Thanh Tùng khiến nhiều trọng tài trẻ phải mơ ước: từ Giải VĐQG thường niên, VTV Cup, VTV9 Bình Điền Cup, đến Giải vô địch nam châu Á, giải U23 châu Á…