Nguồn thu của giải bóng chuyền quốc gia

|

Về lý thuyết, giải bóng chuyền vô địch quốc gia cũng có một lợi thế riêng đó là thu hút được nhà tài trợ và có lượng khán giả nhất định vào theo dõi nên câu hỏi đang được đặt ra là có nguồn thu hay không từ giải đấu này...

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia luôn chờ đợi các nguồn thu từ tài trợ và bản quyền truyền hình. Ảnh: MINH CHIẾN

Bản quyền truyền hình 10 tỉ đồng

Trao đổi ngày 6-2, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường khẳng định rằng ở mùa giải bóng chuyền năm nay, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam được đối tác là Tổng công ty truyền hình cáp – Đài truyền hình Việt Nam (VTVCab) sẽ trả gói bản quyền truyền hình với tổng là 10 tỉ đồng. “Năm nay, con số như vậy là vì bóng chuyền có nhiều giải được tổ chức tại Việt Nam. Giải bóng chuyền vô địch quốc gia chỉ là một trong những giải mà Liên đoàn bóng chuyền tổ chức và có truyền hình trực tiếp vì ngoài giải này còn có hệ thống giải trẻ, giải hạng A và một số giải cúp câu lạc bộ quốc tế”, ông Trường nói thêm.

Qua tìm hiểu, năm ngoái, đơn vị VTVCab trả cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tổng là 3 tỉ đồng khi đã là đơn vị có bản quyền truyền hình thực hiện truyền hình trực tiếp các giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia ở trong nước. Tổng thư ký Lê Trí Trường khẳng định rằng, chi phí về bản quyền truyền hình mà đơn vị đối tác VTVCab trả là bằng tiền mặt chứ không phải sản phẩm. Trước đây, đơn vị đầu tiên tham gia ký kết và trả quyền lợi về bản quyền truyền hình với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là Đài truyền hình kỹ thuật số VTC với mức phí 500 triệu đồng/năm nhưng sau khi gặp khó khăn thì hợp đồng đã không còn hiệu lực và các bên không còn gắn kết.

Thực tế, con số chính xác và cụ thể chỉ có được khi có công bố chính thức. Đồng thời, con số trên là số thu về từ bản quyền truyền hình đối với tất cả các giải nằm trong hệ thống thi đấu trong năm của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và Tổng cục TDTT. Chưa có một con số cụ thể để cho biết riêng giải vô địch quốc gia có được nguồn thu từ bản quyền truyền hình là chính xác như thế nào.

Bóng chuyền đang có ưu thế

Từ năm 2020 trở đi, giải bóng chuyền vô địch quốc gia và một số giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia có sức quảng bá rộng hơn sau khi đơn vị của nhà Đài tham gia truyền hình trực tiếp. Từng có ý kiến chuyên môn cho rằng, sẽ bị ảnh hưởng về số khán giả vào sân hay không khi mà các giải đấu bóng chuyền được tường thuật trực tiếp rộng rãi? Câu trả lời đã chỉ ra rằng, tất cả các giải thể thao chuyên nghiệp trên thế giới luôn cần truyền hình trực tiếp để quảng bá hình ảnh cũng như tìm thêm nguồn tài trợ nên việc truyền hình trực tiếp giúp người hâm mộ bóng chuyền cả nước được theo dõi là phù hợp.

Các trận đấu ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia từ năm 2023 sẽ thi đấu vào cuối tuần để thu hút khán giả. Ảnh: MINH CHIẾN

Tại giải vô địch quốc gia 2022, khi giải đấu chỉ tổ chức 1 vòng, các nhà tổ chức tại Vĩnh Phúc và Ninh Bình tính tới phương án bán vé cho khán giả vào xem nhằm tìm thêm nguồn thu cho giải đấu. Rốt cuộc, địa điểm thi đấu ở Vĩnh Phúc không thực hiện được và để khán giả vào tự do. Địa điểm thi đấu tại Ninh Bình có bán vé nhưng không khả quan. Năm nay, theo tìm hiểu, ở vòng 1 giải vô địch quốc gia 2023, địa điểm tổ chức tại Bắc Ninh và Gia Lâm (Hà Nội) sẽ không bán vé. Có thể hiểu, thời điểm hiện tại, việc bán vé đối với giải vô địch quốc gia vẫn chưa khả quan.

Hiện tại, không ít đội bóng có nhà tài trợ riêng mà một số trong đó cũng đồng hành với giải vô địch quốc gia. Minh chứng là bảng biểu trên sân đấu có tên của nhà tài trợ. Dù thế, con số tài trợ là được giữ kín.

Thường niên, trước khi giải vô địch quốc gia diễn ra, rất nhiều giải bóng chuyền hội làng được tổ chức và địa điểm diễn ra ở khu vực phía Bắc luôn mạnh mẽ và ghi nhận giải ở từng địa phương có thưởng luôn từ 50 triệu đồng cho tới 100 triệu đồng dành cho đội vô địch. Đó là con số lớn nếu xét về thời gian thi đấu chỉ trong ngày. Thế nhưng, để kêu gọi những nguồn xã hội hóa này đồng hành với nhà tổ chức giải vô địch quốc gia là khó vì phạm trù thi đấu hội làng với thi đấu thành tích cao rất khác biệt. Nhà quản lý của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn đang tìm thêm các mạnh thường quân tài trợ cho giải vô địch quốc gia nhưng để hiệu quả và thành công thì công tác truyền thông, công tác tổ chức chuyên môn phải chuyên nghiệp và hiệu quả thực chất.

Đón đọc bài tới: Đội bóng nào giàu nhất Việt Nam

Xét về bài toán thể thao chuyên nghiệp, nếu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thu được tiền từ bản quyền truyền hình thì lợi nhuận phải chia đều cho các đội bóng tham dự giải đấu. Hiện lúc này, chưa đội bóng nào được tiền từ bản quyền truyền hình. Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam của nhiệm kỳ hiện tại là ông Hoàng Ngọc Huấn (Chủ tịch VTVCab).