Hai bảng đấu được tách thời gian chưa hẳn đã hợp lý

|

Tính công bằng và sự minh bạch trong thi đấu luôn là điều các đội bóng chuyền chờ đợi nhất ở bất kỳ mùa giải nào của bóng chuyền vô địch quốc gia…

Năm nay, giải bóng chuyền vô địch quốc gia tách biệt thời gian tranh tài giữa các bảng đấu. Ảnh: MINH CHIẾN

Năm nay, giải bóng chuyền vô địch quốc gia vẫn tranh tài theo 2 vòng như thông lệ. Tuy nhiên, lần đầu tiên, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng Tổng cục TDTT đã thay đổi thời gian tranh tài để 2 bảng đấu không diễn ra song song cùng thời điểm mà tổ chức bảng đấu trước, bảng đấu sau.

Về lý thuyết, việc tổ chức này giúp khán giả được xem đầy đủ hết các trận thi đấu của 2 bảng thay vì phải lựa chọn các trận cho phù hợp do 2 bảng diễn ra cùng thời điểm như trước đây.

Tuy nhiên, mặt bất cập vẫn có thể xảy ra. Ít nhất là ở sự chuẩn bị của các đội. Ban tổ chức quyết định tại vòng 1, Bảng A (nam, nữ) diễn ra ở Bắc Ninh từ ngày24-2 tới 5-3) còn bảng B (nam, nữ) tổ chức ở Gia Lâm (Hà Nội) từ ngày 10-3 đến 19-3. Còn ở vòng 2, một bảng sẽ thi đấu tại Đắk Nông từ ngày 3 tới 12-11 và bảng còn lại tranh tài ở Gia Lai từ ngày 17 tới 26-11. Vậy câu hỏi đặt ra rằng, liệu các đội bóng phải thi đấu sớm có thua thiệt hơn các đội bóng sẽ được thi đấu sau? Đã có ý kiến cho rằng, điều này sẽ xảy tới. Bởi lẽ, những đội bóng của bảng A bắt đầu thi đấu vào ngày mai (24-2) phải chuẩn bị sớm hơn và thi đấu sớm hơn. Trong khi đó, các đội bóng ở bảng B được dài thời gian chuẩn bị cũng như vẫn còn kịp bổ sung lực lượng nếu mình bị khuyết vị trí.

Xét về tương quan, khi 2 bảng đấu không tranh tài cùng thời điểm, các đội bóng ở bảng được thi đấu sau vẫn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để nhắm cho các cơ hội tiếp theo trong vòng 2 của mình.

Chưa kể, không phải đội bóng nào cũng đủ tiềm lực thuê ngoại binh vì thế nếu các bảng đấu không tranh tài cùng thời điểm như nhau thì sự tính toán chiến thuật khi tranh tài lại nghiêng lợi nhiều hơn về phía các đội bóng mạnh có tiềm lực và có ngoại binh trong đội hình.

Ở vòng 2, việc tổ chức 2 bảng đấu theo thời điểm tranh tài khác nhau cũng sẽ được áp dụng. Thế nhưng việc một bảng đã đấu xong và bảng còn lại chỉ bắt đầu sau đó 1 tuần thì rõ ràng, nhà tổ chức phải tính toán đến tính công bằng về chuyên môn.

10 đội nam, 10 đội nữ chưa thi đấu thì cơ hội tranh vị trí cao nhất vẫn ngang bằng. Nhưng khi tiếng còi đã khai cuộc, các đội phải có một sự công bằng nhất để tranh tài và đặc biệt là ở lịch thi đấu cùng thời gian diễn ra. Một trong những nguyên do để nhà tổ chức thực hiện chia thời gian của 2 bảng đấu thành các giai đoạn khác nhau là nhằm hướng tới khán giả nhưng yếu tố chuyên môn cũng phải tính tới.

Thêm nữa, bảng đấu nào tổ chức sớm thì ban tổ chức sẽ họp chuyên môn và chốt danh sách trước còn bảng nào tổ chức muộn hơn thì sẽ họp chuyên môn chốt danh sách muộn hơn. Một số ý kiến đang khúc mắc rằng, nên chăng Liên đoàn bóng chuyền phải tổ chức duy nhất một cuộc họp kỹ thuật để tất cả các đội chốt danh sách VĐV cùng thời điểm đồng thời thời điểm tổ chức ở từng bảng (vòng 1, vòng 2) cần rút ngắn để không bị cách nhau quá dài thời gian.

Ngoài ra, nếu tổ chức các bảng đấu khác nhau về thời gian, câu chuyện về việc bắt tay giữa các đội nhằm tạo thuận lợi cho nhau không phải không có khả năng xảy tới. Khi đó, bài toán làm thế nào giải đấu được tổ chức phù hợp nhất thì nhà quản lý Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải đưa lời giải thật hữu hiệu.