Đột phá bóng chuyền

|

Bóng chuyền khá phổ biến tại Việt Nam, là một trong những môn thể thao được chuyên nghiệp hóa sớm nhất, có hệ thống thi đấu trải rộng từ học đường đến các CLB do doanh nghiệp quản lý.

Chức vô địch châu Á lần đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam (trong màu áo Trung tâm Huấn luyện quốc gia 1) tại giải các CLB châu Á 2023 mới đây không chỉ mang đến niềm tự hào cho bóng chuyền Việt Nam, mà còn mang đến những giá trị có tính biểu tượng cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao nước nhà. Điều đó còn ý nghĩa hơn khi đoàn Thể thao Việt Nam đã bước vào cuộc chinh phục vị trí số 1 toàn đoàn tại SEA Games 32.

Bóng đá nam, bóng đá nữ, điền kinh, xe đạp và bơi lội giành HCV ở đấu trường SEA Games nhờ sự kiên trì theo đuổi, sự quan tâm đầu tư lớn của ngành thể thao và các địa phương. Giờ đây, đến lượt bóng chuyền - môn thể thao có tính hấp dẫn đặc biệt trong mỗi cuộc tranh tài - kỳ vọng làm được điều tương tự.

Bóng chuyền khá phổ biến tại Việt Nam, là một trong những môn thể thao được chuyên nghiệp hóa sớm nhất, có hệ thống thi đấu trải rộng từ học đường đến các CLB do doanh nghiệp quản lý. Thế nhưng, môn thể thao tập thể này yêu cầu cao về yếu tố thể hình, thể lực nên luôn gặp những khó khăn khách quan trên con đường phát triển. Mặc dù chưa được ngành TDTT quan tâm đầu tư nhiều như những môn khác, bóng chuyền chủ yếu vẫn “sống nhờ” vào nguồn lực địa phương và một số doanh nghiệp, nhưng đã có lượng khán giả rất đông đảo, luôn thể hiện tiềm năng thành tích rất lớn. Nếu bóng chuyền nữ duy trì được vị thế số 2 Đông Nam Á suốt gần 3 thập niên qua, thì gần đây bóng chuyền nam từ thứ hạng 5-6 đang tranh chấp ngôi đầu khu vực. Đó là kết quả đến từ nỗ lực không ngừng của những người làm bóng chuyền và cũng nhờ vào một lực lượng VĐV dồi dào, thể hình không thua kém quốc tế sau khi đời sống kinh tế xã hội của nước ta phát triển mạnh mẽ.

VĐV của chúng ta không chỉ có tố chất khéo léo, tư duy thông minh, mà nay còn có sự cải thiện đáng kể về chất lượng con người - các yếu tố từng có lúc là lực cản tưởng rằng không thể vượt qua. VĐV bóng chuyền của Việt Nam hiện có thể xuất ngoại và chơi bóng thành công ở đẳng cấp châu Á cũng nhờ những thay đổi đáng kể về thể hình, thể lực. Sự thành công ấy, ở khía cạnh nào đó, cũng mang đến hình ảnh tích cực cho quốc gia về những thế hệ Gen X, Z to cao, khỏe mạnh và tài năng.

Thực tế là dù có những sự tiến bộ rất lớn, nhưng khâu đầu tư, quảng bá và thu hút tài chính ở môn bóng chuyền vẫn chưa đúng tầm mức. Trong khi đó, những môn như bóng chuyền luôn rất khó khăn trên con đường đến với vinh quang do tính đặc thù của một môn chơi tập thể, luôn cần thời gian và khả năng đào tạo liên tục các thế hệ VĐV. Trong tiến trình chuyên nghiệp hóa và quảng bá sâu rộng thể thao nước nhà, bóng chuyền đang cần sự trợ lực lớn từ ngành TDTT, xã hội để có thể vươn xa hơn nữa, tiến tới trở thành môn mũi nhọn trong “ngành công nghiệp thể thao”.