Đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang xin tuyển thủ trở về

|

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng thi đấu và chuẩn bị chuyên môn tại Lào Cai rồi tới đây là hai giải trọng tâm ở châu Á nhưng tiếp tục có đội bóng làm công văn xin người trở về để chuẩn bị cho vòng 2 giải vô địch quốc gia.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giải quyết ra sao việc các đội bóng xin người trở về trong giai đoạn tới đây. Ảnh: AVC

Vì tiền lệ nên thay nhau gọi cầu thủ trở về?

Ngày 22-8, Công ty TNHH MTV Thể thao Hóa chất Đức Giang (đơn vị chủ quản đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang tía sáng) đã có công văn gởi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam để xin 4 VĐV trở lại đội bóng tập luyện. Theo công văn, 4 tuyển thủ của đội bóng này đang thi đấu, tập luyện tại đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là Lê Thị Thanh Liên, Trần Tú Linh, Lý Thị Luyến, Trần Thị Bích Thủy được xin trở lại đội bóng chủ quản chuẩn bị chuyên môn cho vòng 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Đội bóng nữ này cho biết vẫn tạo điều kiện để các cầu thủ trên dự giải bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2023 (tại Thái Lan từ 30-8 tới 6-9) nhưng sau giải, đội bóng xin người trở lại đơn vị từ ngày 8-9.

Trên thực tế, sau giải bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2023, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục tập luyện chuyên môn hướng tới tranh tài ASIAD 19-2022. Môn bóng chuyền nữ của ASIAD 19-2022 sẽ thi đấu từ 30-9 tới 7-10. Có thể hiểu, đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang tia sáng xin người về để chuẩn bị chuyên môn nội bộ cho vòng 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 đồng nghĩa 4 tuyển thủ trên sẽ rời tuyển và họ không ở giai đoạn chuẩn bị chuyên môn hướng tới ASIAD 19-2022. Đội bóng nữ Hóa chất Đức Giang tia sáng không thể hiện thông tin trên văn bản rằng đơn vị không đồng ý hay không 4 cầu thủ của mình dự ASIAD 19-2022 nhưng việc xin người về từ ngày 8-9 thì phần nào phản ánh ý định trên.

Chắc chắn, nếu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam gật đầu, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam gặp khó khăn về lực lượng. Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng không chấp nhận điều đó.

Trao đổi với SGGP về sự việc, Tổng thư kí Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường cho biết “chúng tôi đã nhận được văn bản của đơn vị chủ quản đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang tia sáng. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam không đồng ý với điều này và có văn bản trả lời chính thức tới đơn vị chủ quản cầu thủ. Bởi lẽ, chúng ta cần đặt trách nhiệm chuyên môn quốc gia trên hết. Chưa kể, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đã và đang có sự chuẩn bị chuyên môn dành cho ASIAD 19-2022 nên cầu thủ quan trọng đều cần có mặt. Quy định của ban tổ chức ASIAD 19-2022 là phải đăng kí sơ bộ cầu thủ và đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã đăng kí. Cũng như, quyết định thành lập đội tuyển quốc gia đã thông báo là kéo dài tới tháng 10-2023 nên không vì lý do riêng mà cầu thủ trở về”.

Vừa qua, đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương đã có văn bản xin HLV Tạ Đức Hiếu và cầu thủ phụ công Đinh Thị Trà Giang đang tập luyện, thi đấu ở đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trở lại đơn vị chủ quản sau cúp bóng chuyền nữ quốc tế tại Lào Cai (kết thúc ngày 26-8) và được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chấp thuận. Đội bóng chuyền nữ TPHCM xin HLV Trần Thị Hiền trở về sau giải tại Lào Cai và được đồng ý. Phải chăng, do có tiền lệ trên, các đội bóng khác cũng gọi người về (?).

Với đội tuyển quốc gia phải là trách nhiệm, nghĩa vụ

Lúc này, mọi người đều hiểu, các đơn vị hay địa phương có HLV, VĐV được tập trung đội tuyển quốc gia ở các môn thể thao là vinh dự cho đơn vị, địa phương đó. Đồng thời, tham gia đội tuyển thể thao quốc gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người. Vào lúc này, không có chế tài nào ở việc đội tuyển thể thao quốc gia giữ người không trở nếu một khi đơn vị chủ quản xin người trở về. Đó là về lý.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đang đau đầu với việc nhiều đơn vị xin cầu thủ trở về dù đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ở vài giai đoạn tập luyện, thi đấu quan trọng nhất. Ảnh: D.P

Nhưng về tình, tức là tinh thần màu cờ sắc áo tổ quốc, việc xin rút tuyển thủ của đội tuyển quốc gia ở giai đoạn chuẩn bị chuyên môn quan trọng nhất là điều không ai tán thành. Trước đây đã có sự vụ như vậy khi Cục TDTT (trước đây là Tổng cục TDTT) cùng các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tập trung đội tuyển thể thao quốc gia của mình rồi vẫn phải trả VĐV trở về dù không muốn.

Điều duy nhất mà các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao làm được khi gặp những trường hợp như vậy thường là ra thông báo thôi không bao giờ tập trung VĐV vào đội tuyển quốc gia. Đó là giải pháp tức thời và nhiều khi VĐV ở thế bị động, ý định tập luyện thi đấu không do mình quyết mà phụ thuộc ở đơn vị chủ quản. Trách nhiệm, nghĩa vụ và tinh thần thể thao thi đấu vì màu cờ sắc áo vẫn phải được đề cao nhất. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lúc này tập hợp 28 cầu thủ tới từ 9 đội bóng nữ khác nhau trong nước và nếu cùng lúc các đội bóng xin người rời tuyển thì cơ sự sẽ như thế nào...