Nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của các CLB bóng chuyền

|

Thông tin về việc đội bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa có thể vắng nhà tài trợ từ năm tới đang được bàn tán dù toàn đội bóng đang ổn định nhất tại giải vô địch quốc gia 2024.

Đội nam Sanest Khánh Hòa đang chơi với quyết tâm cao nhất dù có thông tin rằng có thể sẽ vắng nhà tài trợ từ năm sau. Ảnh: VFV

Nhiều bàn tán đã được chia sẻ trước câu chuyện nhà tài trợ Yến sào Khánh Hòa có thể tính phương án kết thúc tài trợ đội bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa trong tương lai gần. Không riêng đội này, các đội bóng chuyền bãi biển của Khánh Hòa gặp khó khăn tương tự. Hiện tại chưa có thông báo chính thức vấn đề trên. Một trong những nguyên do chính ở điều không muốn xảy ra này là bởi đơn vị tài trợ gặp khó khăn trong nguồn lực nên phải tính tới phương án cắt giảm các khoản tài trợ mà trong đó tài trợ cho bóng chuyền được tính tới.

Trên thực tế, đội bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa do thể thao tỉnh Khánh Hòa quản lý và nhà tài trợ là đơn vị đồng hành trong các nguồn lực tài trợ, xã hội hóa. Từ khi lên hạng vào năm 2008, đội nam Sanest Khánh Hòa là đội bóng giàu thành tích nhất, nhì bóng chuyền trong nước (4 năm vô địch quốc gia: 2008, 2017, 2020, 2023) cũng như là đội bóng có chế độ ưu đãi tốt cho VĐV.

Dù thế, câu chuyện cơ chế thị trường và bài toán nguồn lực đầu tư luôn khiến bóng chuyền Việt Nam khó nói trước được điều gì.

Tổng thể trong 18 đội bóng (9 nam, 9 nữ) tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024, chỉ có 2 đội bóng thuộc doanh nghiệp sở hữu là Hóa chất Đức Giang lào cai, Ngân hàng Công thương (nữ). 16 đội còn lại vẫn do đơn vị nhà nước quản lý và một số đội kêu gọi được nguồn xã hội hóa tài trợ thì gắn kết cùng nhau nhưng trên hết vẫn dựa vào nguồn lực kinh phí hoạt động được cấp.

Làm sao để các đội bóng có thêm nguồn kinh phí hoạt động? Đây là bài toán không dễ giải với bóng chuyền Việt Nam. Rất nhiều đội kỳ vọng bóng chuyền Việt Nam sẽ sớm chuyển mình lên mô hình chuyên nghiệp, từ đó giải đấu được quan tâm hơn, bán được bản quyền truyền hình và bán được vé vào sân thì đó là nguồn lực đáng kể cho từng đội.

Dẫu vậy, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng khẳng định rằng Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp gia tăng chất lượng và mô hình tổ chức giải đấu để hướng tới có thể bán được bản quyền truyền hình. “Hiện tại, bản quyền truyền hình ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia chưa bán được. Đơn vị truyền hình tham gia phát sóng trực tiếp giải đấu là sự hỗ trợ với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam”, ông Lê Trí Trường đã chia sẻ.

Một phương án được tính tới là bán vé tạo nguồn thu cho giải đấu. Dẫu vậy, nguồn thu từ vé bán thường thuộc về Ban tổ chức địa phương nơi tổ chức bảng đấu chứ không chi trả cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Thêm với đó, mức thu từ bán vé luôn rất thấp, là con số không đáng kể.

Đội nam Long An cũng là một trong những đội luôn tìm kiếm nguồn lực để có sự đầu tư đào tạo bền vững. Ảnh: VFV

Bóng chuyền là môn có tính xã hội hóa cao tại Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, mô hình hội cổ động viên của các đội bóng là chưa ra đời. 18 đội bóng dự giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 chưa có hội cổ động viên của mình. Những đội bóng đang có lực lượng cổ động viên đông đảo cổ vũ từng trận là Hóa chất Đức Giang lào cai, VTV Bình Điền Long An, Sanest Khánh Hòa hay Biên Phòng, Thể Công thì người cổ vũ đều được huy động từ cán bộ công nhân viên của công ty hoặc chiến sỹ áo lính được yêu cầu đi xem bóng chuyền.

Mô hình hoạt động chuyên nghiệp của 1 đội thể thao cần rất nhiều yếu tố, đơn cử như có hội cổ động viên, có sân bãi riêng, được tổ chức như một công ty kinh doanh thể thao để không phụ thuộc nguồn kinh phí được cấp. Lúc này, chưa đội bóng chuyền nào tại Việt Nam đạt được như vậy. Bóng chuyền Việt Nam trong 30 năm trở lại đây chứng kiến không ít đội nam, nữ đã bị giải thể. Mấu chốt quyết định sự tồn tại nằm ở kinh phí hoạt động. Mục tiêu chuyên môn hướng đến bền vững, không cắt ngắn giai đoạn phát triển cũng là điểm quyết định giữ được đội bóng hay không.