Tất cả vì hàng Việt

|

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM, việc tổ chức thực hiện CVĐ tại TPHCM đã đạt được những kết quả khích lệ khi tỷ lệ người dân tin dùng hàng Việt ngày càng gia tăng. 

Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo CVĐ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. 
Sản xuất sữa Nutifood  Ảnh: CAO THĂNG
 Mở rộng mạng lưới kinh doanh hàng Việt

Từ số liệu của ngành công thương TPHCM cho thấy, đến nay TPHCM đã phát triển được hệ thống phân phối gồm 42 trung tâm thương mại (15 trung tâm hạng I, 4 trung tâm hạng II, 23 trung tâm hạng III), 201 siêu thị (65 siêu thị hạng I, 60 siêu thị hạng II, 76 siêu thị hạng III; tương đương 96 siêu thị chuyên ngành và 105 siêu thị tổng hợp), 240 chợ (3 chợ đầu mối, 14 loại 1, 54 loại 2, 169 loại 3 và chợ tạm). Cùng với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, TPHCM còn phát triển mạng lưới với 1.050 cửa hàng tiện lợi trên toàn địa bàn TP nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân.

Tại hệ thống kinh doanh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ... đã góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; đặc biệt là tại các quận ven, huyện ngoại thành. Thông qua CVĐ, hàng Việt tại các hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ từ 90% - 100%; điển hình như tại Big C 95%; Satramart, Satrafoods 95%; Giant 99,98%…

Với Chương trình Bình ổn thị trường, TPHCM đã tập trung hỗ trợ các DN tham gia nhằm đẩy mạnh công tác phát triển điểm bán hàng bình ổn. Đến nay, TP đã hình thành được 10.602 điểm bán hàng bình ổn, phủ rộng khắp các địa bàn, kể cả khu vực vùng ven ngoại thành và các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), phục vụ công nhân và người lao động. 

Ngoài ra, nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho người dân khu vực vùng ven, ngoại thành và người lao động tại các KCX-KCN, những tháng đầu năm 2017, các DN còn tổ chức 602 chuyến bán hàng lưu động. Riêng Saigon Co.op đã phối hợp với các tỉnh, thành - nơi có đầu tư xây dựng siêu thị Co.opmart - còn thực hiện hơn 600 chuyến bán hàng lưu động để thực hiện bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa hơn 35 tỷ đồng.

Song song với việc phát triển điểm bán, mở rộng mạng lưới phân phối, TPHCM tiếp tục triển khai hoạt động đối thoại trực tuyến, tiếp xúc, lắng nghe nắm bắt tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính... Tiếp tục hỗ trợ DN nhanh chóng tiếp cận với nền hành chính điện tử, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN trên địa bàn TP. 

Theo kế hoạch, trong tháng 11-2017, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa; từ đó, tạo không gian gặp gỡ DN sản xuất và các DN phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại… để tạo đầu ra tốt hơn cho mặt hàng đặc sản của các vùng, miền. Với chương trình này, các nhà phân phối sẽ hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo nguồn cung ổn định, phong phú; tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Mặt khác, TP cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm đạt chuẩn an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo CVĐ, để đạt được những kết quả nêu trên, công tác tuyên truyền CVĐ luôn được chú trọng hàng đầu. Nhờ vậy, những nội dung quảng bá về hàng Việt, về CVĐ đã đi vào chiều sâu, đồng bộ, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của người dân; từ đó nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng chọn lựa mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước. Người dân đã có ý thức mua và tiêu thụ hàng Việt như một cách thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. 

Căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn được giao, các cơ quan, đơn vị, sở ngành TP tiếp tục triển khai các nội dung kế hoạch năm 2017, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình hành động như: Sở Giáo dục - Đào tạo đã có 239 đơn vị trực thuộc triển khai nội dung CVĐ đến từng giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên trong đơn vị mình. Tất cả các cơ sở giáo dục khi trang bị đồng phục, quần áo bảo hộ, văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng phục vụ công tác dạy và học đều mua sắm hàng nội địa. Công an TP cũng ưu tiên mua sắm trang bị phương tiện làm việc, xây dựng nhà xưởng, kho bãi chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong nước; lựa chọn nhà thầu, nhà sản xuất trong nước có uy tín, có sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, thân thiện môi trường. Chi cục Hải quan TP đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý; tập trung vào công tác kiểm tra sau thông quan nhằm phát hiện các hành vi gian lận thương mại. Phối hợp với các lực lượng chức năng của TP tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu lưu thông trong nội địa; từ đó, xây dựng danh mục hàng trọng điểm, DN trọng điểm trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban chỉ đạo CVĐ cho rằng vẫn còn một số hạn chế trong khâu thực hiện. Đó là sức cạnh tranh của các DN chưa cao; việc xây dựng thương hiệu, tuy đã được chú trọng và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước nhưng còn một số lĩnh vực, ngành nghề chưa xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng. Đại bộ phận DN tại TPHCM là DN vừa và nhỏ, do đó thiếu nguồn lực về nhân sự, tài chính, chưa có kinh nghiệm quảng cáo, marketing trên các kênh truyền thông; ý thức của một vài DN còn hạn chế, vì lợi ích riêng nên tạo điều kiện, tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại, nhất là hàng hóa nhập khẩu qua biên giới. Quá trình đổi mới công nghệ của các DN cũng còn rất chậm. Trình độ công nghệ của các DN chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao... 

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo CVĐ về phương hướng hoạt động những tháng cuối năm, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ, đề nghị tổ giúp việc của Ban chỉ đạo xác định nội dung tập trung tuyên truyền, cũng như đối tượng cần tuyên truyền; phổ biến đề án quy hoạch chiến lược phát triển ngành thương mại trên địa bàn TP; xây dựng chương trình khảo sát thực tế phải đa dạng hơn tại các DN, HTX nông nghiệp, chợ truyền thống nhằm xây dựng định hướng sát thực và phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan ban, ngành trong đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu, cũng như có đề nghị với cơ quan tư pháp nghiên cứu vận dụng khung hình phạt cao nhất khi xử phạt các đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Ban chỉ đạo cần phối hợp với Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp TP nâng cao chất lượng trong việc tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, có kế hoạch tổ chức hội chợ cụ thể để tránh sự trùng lắp; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tham gia quảng bá hàng hóa đến người tiêu dùng. Các tổ chức mặt trận, đoàn thể cần phát huy vai trò tuyên truyền, lắng nghe ý kiến phản ánh của DN nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho DN. Các cơ quan báo, đài nghiên cứu và phối hợp với các sở, ngành đề xuất đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.