Khi nông dân tự đưa sản phẩm ra thị trường

|

Cứ mỗi cuối tuần, các phiên chợ xanh ở TPHCM lại nhộn nhịp người tìm đến mua bán. Nhờ có phiên chợ xanh, nông dân đã tự mang những sản phẩm sạch của mình đến với người tiêu dùng mà không qua trung gian. Đó cũng là nền tảng giúp nông dân xây dựng thương hiệu an toàn ra thị trường.\r\n

 

\r\n

 

HTX Thủy sản Tương Lai giới thiệu sản phẩm tại các phiên chợ xanh
Từ vườn ra chợ

Cứ vào ngày cuối tuần khi trời vừa hừng sáng, chị Trần Thị Yến (48 tuổi) từ vùng đất Gò Công (Tiền Giang) di chuyển đến “Phiên chợ xanh - Tử tế” mang theo những túi rau sạch để bán cho người tiêu dùng. Chị Yến tâm sự: “Hơn 1 năm trước, nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về nguồn rau sạch nên tôi quyết định chuyển sang đầu tư trồng rau sạch. Bước đầu học hỏi kinh nghiệm trồng rau sạch từ nhiều nơi, tôi nhận ra nhiều người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ với cụm từ “rau hữu cơ” và nhận ra khu đất của nhà ở Gò Công giàu chất dinh dưỡng vì còn hoang sơ nên chỉ cần cải tạo là có thể đủ tiêu chuẩn xây dựng vườn rau hữu cơ. Sau đó tôi nhờ các chuyên gia, kỹ thuật viên tư vấn hướng dẫn cách giữ độ phì nhiêu của đất và trồng loại rau nào phù hợp thổ nhưỡng”. 

Qua nhiều tháng đổ công sức đầu tư, chị Yến vui mừng khoe: “Cuối cùng, mảnh đất cũng cho ra nhiều sản phẩm chất lượng nhưng khi đó mang ra chợ, cửa hàng thì không ai tin tưởng. Nhờ người giới thiệu, tôi làm các thủ tục đăng ký, kiểm định và đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng qua các phiên chợ xanh. Trung bình vào mỗi phiên chợ xanh, vườn nhà tôi cung cấp vài chục ký rau xanh và gà. Với kết quả như vậy cũng trang trải được chi phí trong gia đình, nhưng vui nhất là đã mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm xanh - sạch”.

Tốt nghiệp đại học không phải ngành nông nghiệp nhưng đôi bạn trẻ Phạm Thế Tư (26 tuổi, học công nghệ thông tin) và Nguyễn Thị Đào (25 tuổi, học ngành xã hội) đã cùng chung ước mơ khởi nghiệp với dự án trồng rau sạch hữu cơ. Hai bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu trên mạng, qua sách vở; đặc biệt, nhờ những chuyên gia nông nghiệp tư vấn hỗ trợ thêm kiến thức. Dự án khởi nghiệp của 2 bạn trẻ bắt đầu bằng việc tìm đến huyện Hóc Môn (TPHCM) thuê mảnh đất 3.000m2 với giá 15 triệu đồng/năm. Những ngày đầu mang rau hữu cơ ra cửa hàng, chợ… chào mời, nhưng bị thương lái chê vì giá bán cao, rau sạch nhưng chưa có thương hiệu... Khi đó có lúc cả 2 bạn phải ngồi bán tạm trước một chung cư trong thời gian dài, tự giới thiệu trực tiếp sản phẩm với người tiêu dùng. Khi nghe tin TPHCM mở phiên chợ xanh chỉ bán sản phẩm chất lượng tốt, đôi bạn trẻ này liền tìm đến liên hệ. Để được bày bán ở phiên chợ xanh, sản phẩm phải được các chuyên gia nông nghiệp lấy mẫu kiểm tra, kiểm tra cả nguồn nước tưới, chất lượng đất… Giờ thì những nhà khởi nghiệp trẻ này còn mơ một giấc mơ xa hơn, đó là mở chuỗi cửa hàng cung cấp sản phẩm sạch với giá tốt cho người dân.

Rau sạch, giá cả hợp lý

Không chỉ nông dân mà nhiều hợp tác xã (HTX) cũng mong muốn đưa sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng để được hưởng giá tốt và tạo thương hiệu qua các phiên chợ xanh. Điển hình như HTX Thủy sản Tương Lai được thành lập năm 2002, nhằm giúp 10 thành viên an tâm từ con giống đến chất lượng nuôi theo đúng quy trình, tiêu chuẩn. Trước khi tham gia HTX, các hộ nông dân chăn nuôi đơn lẻ đều gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ tham gia HTX, nhiều hộ nông dân đã học được cách phòng trừ bệnh tật, nghiên cứu để nuôi cá giống cho chất lượng thương phẩm tốt. 
Vừa giới thiệu sản phẩm tại phiên chợ, bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc HTX Thủy sản Tương Lai, cho hay: “Nhờ nguồn nước kênh Đông không ô nhiễm nên cá nước ngọt nuôi ở huyện Củ Chi có chất lượng rất ngon. HTX sản xuất sản phẩm khô theo hướng khép kín, sử dụng nguồn cá giống tại chỗ để nuôi cá thương phẩm. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy sấy khô, xây dựng hệ thống nhà kín để phơi cá nhằm tránh ruồi, bụi bẩn. Trước đây, hàng hóa thường bị thương lái ép giá thấp nhưng đến tay người tiêu dùng lại khá cao. Từ khi có phiên chợ xanh, sản phẩm dần được nhiều người biết đến và hiện đã có mặt ở khắp các siêu thị, cửa hàng”.

Từ vùng đất nổi tiếng xứ sở trồng rau - hoa, HTX An Phú (tỉnh Lâm Đồng) cũng tìm đến các phiên chợ xanh ở TPHCM để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. HTX thành lập năm 2009, chuyên trồng rau xà lách, bó xôi, các loại củ quả… Anh Nguyễn Đình Quý, đại diện HTX cho hay, đầu tư trồng rau củ sạch chi phí cao nhưng bán qua trung gian thường bị ép giá. Qua các phiên chợ xanh, HTX hướng tới bán tận tay người tiêu dùng vừa để xây dựng thương hiệu tại thị trường lớn như TPHCM vừa có thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng.  HTX tham gia phiên chợ hơn 1 năm và đã có nhiều phản hồi rất tốt từ khách hàng nên HTX đã tự tin đầu tư hẳn một cửa hàng nhỏ ở TPHCM. 
Phiên chợ xanh - Tử tế hoạt động thường xuyên vào 2 ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật) tại địa chỉ 163 Pasteur (tuần thứ nhất và thứ ba trong tháng) và số 135A Pasteur, cùng quận 3 (tuần thứ hai và thứ tư trong tháng). Ngoài ra còn chợ phiên nông sản an toàn của Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức trong khuôn viên nhà hàng Đông Hồ (đường Cao Thắng nối dài, quận 10) hoạt động vào thứ bảy hàng tuần và công viên Lê Văn Tám (đường Hai Bà Trưng, quận 1) vào chủ nhật hàng tuần. Dự kiến, cuối tháng 9 TP sẽ mở thêm chợ phiên nông sản an toàn ở Công viên Lê Thị Riêng (quận 10).