Lành mạnh hóa thị trường cao điểm cuối năm

|

Mùa kinh doanh tất bật cuối năm đã bắt đầu “kích hoạt”. Hàng loạt chiến dịch kiểm tra trực tiếp hoặc âm thầm được diễn ra nhằm ngăn chặn hàng gian lận thương mại (hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…) tuồn vào thành phố, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, kinh tế của người dân. \r\n

 

\r\n

 

QLTT TPHCM kiểm tra một kho hàng vi phạm Ảnh: THI HỒNG
Song song đó, các lực lượng liên ngành cũng có sự phối hợp nhanh chóng, kịp thời để chặn bắt những mặt hàng buôn lậu trọng điểm, góp phần lành mạnh hóa thị trường kinh doanh. 
Nỗ lực chống gian lận thương mại 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một cán bộ Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM nhìn nhận, cuối năm chính là mùa làm ăn tất bật nhất của các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng trôi nổi, kém chất lượng. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2017 tới nay, lực lượng QLTT TP đã kiểm tra gần 15.500 vụ chuyên ngành và liên ngành, tăng hơn 6.000 vụ so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có 5.888 vụ vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... 

QLTT TP đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá khoảng 54 tỷ đồng; tịch thu gần 98 tỷ đồng xử lý sai phạm (phạt hành chính, tiền thu lợi bất hợp pháp, bán hàng tịch thu) … Qua kiểm tra, lực lượng chuyên ngành và liên ngành QLTT cũng phát hiện hàng ngàn điểm kinh doanh (vỉa hè, một số chợ truyền thống) vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá, bán hàng trôi nổi… Phần lớn, những mặt hàng tiêu dùng này đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng như rượu, sữa, đường cát, bột ngọt… 

Một trong các vụ điển hình phải kể tới, đó là cách nay ít ngày, QLTT TP kiểm tra một cơ sở sản xuất đông dược trên địa bàn quận 8, phát hiện toàn bộ số hàng (trên 30.000 đơn vị sản phẩm) không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ theo quy định. 

Trước nguy cơ “lờn thuốc” của các đối tượng vi phạm, UBND TPHCM đã có nhiều quyết định xử phạt khá mạnh tay, lên tới hàng trăm triệu đồng, như vụ xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới việc chứa chấp, vận chuyển hàng nhập lậu. Trước đó, Đội QLTT 2A kiểm tra điểm chứa hàng tại số 55A đường Kinh C, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân; đồng thời kiểm tra 2 ô tô tải đang dừng trước địa chỉ nói trên, phát hiện trên 2 xe có hơn 93 tấn đường cát do Thái Lan và Campuchia sản xuất, không hóa đơn chứng từ. Sau đó, UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vụ này với số tiền phạt 280 triệu đồng, tịch thu hơn 93 tấn đường cát. Tương tự, đối với Công ty H.K sản xuất, kinh doanh giò chả “bẩn” tại quận Thủ Đức cũng chịu mức phạt 75 triệu đồng và buộc tiêu hủy gần 29 tấn chả.

Tăng cường kiểm tra, giám sát 

Vừa qua, lực lượng chuyên trách (QLTT, công an…) đã có những ký kết hợp tác cụ thể. Chẳng hạn, cắt cử lực lượng chốt chặn tại các điểm nóng, cài trinh sát đeo bám “ổ” hàng lậu… Các tuyến đường giáp ranh TPHCM với các tỉnh thành lân cận chạy qua địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận Thủ Đức… là các điểm ngắm thường trực của lực lượng chức năng TP nhằm rà soát, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo quyền lợi kinh doanh của những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP, thông tin rõ hơn, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tuồn vào TP trong những tháng cuối năm, Chi cục QLTT TP đã xây dựng, ban hành kế hoạch xác định rõ đối tượng, mặt hàng và địa bàn trọng điểm kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Qua đó, chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT căn cứ tình hình thực tế của từng địa bàn để xây dựng kế hoạch cụ thể. Song song đó, QLTT TP cũng tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT ở các tỉnh giáp ranh; phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) thuộc Bộ Công an; Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) thuộc Công an TPHCM và công an quận huyện, phường xã trên địa bàn TP; vận động quần chúng tố giác, cung cấp thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, thương nhân, doanh nghiệp thường tập trung hàng hóa phục vụ thị trường cao điểm cuối năm như dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán… Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao; các chợ truyền thống, kho hàng cũng tất bật nhập hàng, dẫn đến khả năng trà trộn hàng kém chất lượng, hàng gian lận thương mại cũng cao hơn nhiều so với ngày bình thường. Do vậy, song song với việc kiểm tra, giám sát các điểm kinh doanh có dấu hiệu gian lận thương mại, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước trong hoạt động chống buôn lậu hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… “Việc tăng cường chống gian lận thương mại, đặc biệt vào mùa cao điểm cuối năm đã được QLTT TP phối hợp thường xuyên cùng các cơ quan chuyên trách. Mục tiêu hướng đến mọi người dân, doanh nghiệp cùng chủ động, nỗ lực vì môi trường kinh doanh, tiêu dùng an toàn và bền vững”, ông Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh.