Tập trung kiểm soát giá cả, chất lượng hàng tết

|

Trong 2 tuần qua, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã tổ chức hàng loạt buổi làm việc trực tiếp với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp (DN) chủ lực trên địa bàn TP về việc chuẩn bị hàng hóa và công tác kiểm tra thị trường, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. 

Mua hàng tại cửa hàng tiện lợi Satra Food Ảnh: CAO THĂNG
Một trong những vấn đề được quan tâm, đó là những chính sách ưu tiên trong phân phối để khuyến khích các DN tập trung phát triển nguồn cung thực phẩm sạch, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn nhằm khép kín quy trình sản xuất “từ trang trại đến bàn ăn”… 
Giá hàng tết khó biến động
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra), cho biết trong 3 tháng trước, trong và sau tết 2018, Satra dự kiến cung ứng  trên 11.000 tấn hàng hóa cho chương trình hàng bình ổn thị trường (BOTT), tăng 34% so với kế hoạch đăng ký với TP, tương ứng hơn 1.177 tỷ đồng. Ngoài nhóm hàng BOTT, hệ thống bán lẻ Satra dự trữ các nhóm hàng khác với giá trị 600 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các mặt hàng bia, nước giải khát, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tổng số vốn chuẩn bị hàng tết năm nay 1.800 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2017.
Theo ông Khoa, việc sản xuất và dự trữ hàng tết đang thực hiện đúng tiến độ và gặp nhiều thuận lợi vì mùa mưa đã kết thúc. Mặt khác, với sản lượng hàng tết dồi dào, phong phú về mẫu mã, tăng cao về sản lượng nên khó xảy ra biến động về giá. Cụ thể, ở nhóm các mặt hàng chủ lực như thực phẩm tươi sống, riêng Công ty Visan đã chuẩn bị 3.200 tấn, tăng hơn 30% và 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại; Công ty Cầu Tre cũng đưa ra thị trường khoảng 4.000 tấn thực phẩm chế biến. Đối với nhóm các mặt hàng BOTT, Satra thực hiện chốt giá bán ở mức thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5% - 10%. 
Liên quan đến giá cả, Sở Công thương và Sở Tài chính cho rằng, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá nhóm thực phẩm trên địa bàn TP giảm hơn 2%, chủ yếu do tác động của một số mặt hàng trong chương trình BOTT như thịt gia súc giảm 8,54% - 10,54%; thịt gia cầm giảm 0,24% - 3,39%; trứng gia cầm giảm 1,55% - 6,08%; thủy sản tươi sống giảm 0,75% - 7,6%; trái cây các loại giảm 0,03% - 3,74%; đường các loại giảm 0,77%... nên sẽ tiếp tục duy trì đà ổn định giá bán hàng tết ở mức thấp.
Bên cạnh đó, các DN tham gia chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trước tết 1 tháng và sau tết 1 tháng (tức từ ngày 15-1 đến hết 15-3-2018); đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến. Để kích cầu tiêu dùng trong tháng cận tết, các DN còn đồng loạt thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng có sức mua lớn như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. 
Ưu tiên phân phối thực phẩm sạch
Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP, ông Nguyễn Phúc Khoa cho hay, đối với mặt hàng thịt heo bán sỉ tương đối yên tâm. Kể từ tháng 11-2017 vừa qua, 100% sản lượng thịt heo về chợ đầu mối Bình Điền đã được truy xuất nguồn gốc. Satra cũng yêu cầu ban quản lý chợ phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường giám sát việc đeo vòng nhận diện đối với thịt heo. Trong trường hợp phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết không cho nhập chợ. 
Ở mặt hàng thủy hải sản, chợ đầu mối Bình Điền hiện đang cung cấp khoảng 90% sản lượng cho các chợ bán lẻ trên toàn địa bàn TP. Tuy nhiên, nhóm hàng này chưa kiểm soát tốt được chất lượng, chỉ mới thực hiện việc lấy mẫu để kiểm tra nhanh cho từng lô hàng. Tương tự, với nhóm hàng rau củ quả, Satra cũng chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc. “Lượng hàng về chợ Bình Điền mỗi ngày đạt mức 2.400 tấn, nhưng cao điểm tết sẽ tăng lên 3.500 - 3.800 tấn/ngày. Để giám sát tốt chất lượng, ATTP, đặc biệt là nhóm rau củ quả, thủy hải sản, Satra phải bố trí nhân lực tiếp nhận nguồn hàng thật cụ thể, chi tiết để loại trừ thực phẩm không an toàn vào chợ”, ông Nguyễn Phúc Khoa nói.
Đối với hệ thống 157 cửa hàng Satrafood và 3 siêu thị Satramart, Satra đã chọn các nhà cung cấp có sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, đảm bảo ATTP; đồng thời tìm kiếm đối tác, DN có mặt hàng phù hợp, thông qua các hội nghị liên kết với các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ. Satra cũng có 2 nhà máy xay xát lúa ở tỉnh Đồng Tháp để cung cấp gạo cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Satra sẽ thiết kế các quầy kệ riêng để giới thiệu các sản phẩm đạt chuẩn an toàn, hình thành các sàn giao dịch về hoa và nông sản tại chợ Bình Điền nhằm định hướng sản xuất theo quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.
Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng tết, bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc tạo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường tết. Tuy nhiên, các sở ngành, DN chủ lực không được chủ quan mà cần có sự theo dõi chặt chẽ về diễn biến cung - cầu, giá cả để từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời, không để xảy ra hiện tượng “khan hàng, sốt giá” cục bộ. 
Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa và ATTP phải được xem trọng. Các DN sản xuất cần bàn bạc, phối hợp với các hệ thống phân phối có chính sách ưu tiên cho hàng hóa sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thực phẩm sạch tiếp cận với người tiêu dùng. “Trong chương trình Lắng nghe và trao đổi, dự kiến tổ chức vào ngày 7-1-2018 sắp tới, tôi yêu cầu giám đốc, phó giám đốc các sở ngành chức năng phải tham gia để chuyển tải đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP về việc thực hiện công tác chuẩn bị hàng hóa và chăm lo tết trên địa bàn TP. Người dân TPHCM cần được biết các sở ngành sẽ thể hiện vai trò quản lý nhà nước ra sao trong việc kiểm soát chất lượng, chống hàng gian, hàng giả và ATTP. Ngoài ra, công tác quản lý giá cả dịp tết, đặc biệt là giá giữ xe và một số loại hình dịch vụ cũng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân”, bà Trương Thị Ánh nhấn mạnh.
Tổ chức các chương trình chăm lo tết
Về công tác chăm lo tết, Liên đoàn Lao động TPHCM sẽ mở rộng diện chăm lo cho đoàn viên công đoàn ở các nghiệp đoàn, công ty dịch vụ công ích, lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn với mức chăm lo thấp nhất 500.000 đồng/suất. Riêng chương trình Tấm vé nghĩa tình tiếp tục được thực hiện, dự kiến trao 37.000 vé xe cho công nhân về quê vui tết.
Thành đoàn TNCS TPHCM cho biết, đang tập trung vận động kinh phí để tổ chức thăm, tặng 14.000 phần quà, mỗi phần trị giá 700.000 đồng cho các đối tượng là gia đình chính sách, học sinh, sinh viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động.
Bên cạnh đó, Thành đoàn đã lên kế hoạch vận động kinh phí hỗ trợ ít nhất 4.000 lượt vé xe miễn phí cho sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân về quê đón tết; giới thiệu ít nhất 8.000 việc làm cho thanh niên, sinh viên, học sinh làm thêm vào dịp tết; tổ chức ít nhất 50 chuyến bán hàng bình ổn thị trường phục vụ 20.000 thanh niên công nhân và người dân; tổ chức ít nhất 20 chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân phục vụ 30.000 lượt thanh thiếu nhi.