Sữa nội phù hợp với tố chất người Việt

|

Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng sữa năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 đã bước sang năm thứ 9. Chương trình tiếp tục có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành sữa với thương hiệu Vinamilk, Nutifood, Hanfoodco cùng nhãn hàng của Công ty Tân Úc Việt và Công ty TNHH MTV Hội nhập - phát triển Đông Hưng.\r\n

Sản xuất sữa cung ứng bình ổn thị trường tại một doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ

Điều đáng lưu ý, giá cả các loại sữa năm nay vẫn ổn định, chất lượng sữa không ngừng hoàn thiện. CTBOTT các mặt hàng sữa được triển khai kể từ ngày 1-4-2018 và sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2019.

Tiếp tục bình ổn 4 nhóm sữa 

Theo Sở Công thương TPHCM, CTBOTT các mặt hàng sữa năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm định hướng và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các mặt hàng sữa sản xuất trong nước đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và giá cả phù hợp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Lượng sữa trong chương trình có khả năng cân đối cung - cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa cho người dân TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường. 

Căn cứ vào khả năng cung ứng của các DN và nhu cầu tiêu dùng từ thực tế, năm 2018, TPHCM tiếp tục bình ổn đối với 4 nhóm sản phẩm sữa, gồm sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường) và nhóm sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống và ca cao).

Sản lượng sữa tham gia BOTT là 1.940,5 tấn/năm (161,71 tấn/tháng) và 12,52 triệu lít sữa nước/năm (1,43 triệu lít/tháng), chiếm từ 30% - 35% mức tiêu dùng của thị trường TPHCM. Riêng sản lượng sữa nước, các DN đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu thị trường. 

Tương tự như những mặt hàng tham gia bình ổn của 3 chương trình khác, DN tham gia BOTT mặt hàng sữa phải xây dựng và thực hiện kê khai giá bán với Sở Tài chính TPHCM theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá, đảm bảo tính hợp lý, ổn định và dẫn dắt thị trường. Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm 5% - 10% đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, DN được điều chỉnh giá bán phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá, tạo khan hiếm giả tạo làm biến động thị trường, DN tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng đảm bảo chi phối thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương TPHCM.

Phát triển điểm bán phục vụ công nhân

Tính đến thời điểm hiện nay, các DN tham gia chương trình đã triển khai được 1.569 điểm bán. Bên cạnh cung ứng sữa vào hệ thống 95 siêu thị và trung tâm thương mại, 154 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh sữa, 55 sạp chợ, 521 điểm bán khu dân cư, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực đưa sản phẩm sữa vào 680 trường học bán trú, 64 bệnh viện, các nhà máy và DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) phục vụ công nhân. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực tham gia nhiều phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn. 

Trong năm 2018, các DN tham gia chương trình tiếp tục đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều điểm bán mới; trong đó chú trọng đặc biệt đến DN hoạt động trong các KCX - KCN để tạo thói quen sử dụng sữa vào các bữa ăn xế chiều hoặc tăng ca nhằm tăng thể chất, năng lượng cho người lao động. Cùng với đó, DN sẽ tăng độ phủ sản phẩm bình ổn tại các kênh phân phối hiện đại để tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá sữa trên thị trường. Nhằm hỗ trợ DN thực hiện được mục tiêu này, Sở Công thương TPHCM yêu cầu các hệ thống phân phối khi tham gia bán hàng bình ổn phải tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong CTBOTT đưa mặt hàng sữa vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm ổn định thị trường. 

Để đưa sữa nội đến với người tiêu dùng đạt hiệu quả cao, tại Quyết định 1171/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện CTBOTT các mặt hàng sữa trên địa bàn TP năm 2018, UBND TPHCM đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành chức năng theo dõi và hỗ trợ DN thực hiện. Trong đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương và các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền về các nghiên cứu khoa học chứng minh “sữa nội và sữa ngoại có giá trị dinh dưỡng tương đương”, “sữa nội có thành phần phù hợp tố chất người Việt Nam”...; đồng thời, thông tin - tuyên truyền về chương trình để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm sữa sản xuất trong nước có chất lượng và giá cả hợp lý.

Năm 2017 là năm thứ 8, TPHCM thực hiện CTBOTT các mặt hàng sữa. Lượng sữa cung ứng trong năm 2017 đạt 1.833,1 tấn và 11,9 triệu lít sữa nước. Tổng doanh thu đạt 1.033,8 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng sữa nước, các DN cung ứng theo nhu cầu thị trường không giới hạn số lượng.

Theo nhận định của Sở Tài chính TPHCM, năm 2017, giá cả thị trường trong nước tương đối ổn định, sức mua duy trì mức tăng trưởng khá, tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia chương trình có điều kiện mở rộng thị phần, đầu tư mạnh vào khâu sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định, đủ khả năng ứng phó trong điều kiện thị trường có biến động. Qua thực hiện CTBOTT và triển khai các chương trình như hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu, kết nối ngân hàng - DN..., các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn với lãi suất phù hợp để đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất; có thêm cơ hội liên doanh liên kết, hợp tác, khai thác vùng nguyên liệu; giảm chi phí, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện công tác BOTT ngày càng hiệu quả hơn. CTBOTT  không những đủ năng lực thực hiện trên địa bàn TPHCM mà còn hỗ trợ các địa phương bạn trong việc thực hiện nhiệm vụ BOTT của cả nước do Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo.