TPHCM đưa 12 nhóm mặt hàng vào diện bình ổn giá, tăng lượng hàng lên 35%-50%

|

Bình ổn thị trường (BOTT) các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là 1 trong 4 chương trình được TPHCM triển khai thực hiện song song trong năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021.\r\n

Với chương trình này, thành phố sẽ đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, chăm lo an sinh xã hội, gắn với việc thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP. 

Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty Cầu Tre. Ảnh: CAO THĂNG


Thêm khẩu trang và nước sát khuẩn vào diện BOTT 

Chương trình BOTT lương thực thực phẩm năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021 được triển khai từ ngày 1-4-2020, kết thúc vào ngày 31-3-2021. Với 37 doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng khoảng 600 sản phẩm, trở thành chương trình có quy mô lớn và sản lượng hàng hóa chi phối mạnh mẽ trên thị trường. Bên cạnh đó, chương trình tiếp tục có sự đồng hành của 12 ngân hàng tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN BOTT là 19.650 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn để thực hiện chương trình sẽ được tính toán cho phù hợp với tình hình hiện nay và đảm bảo thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường trên thị trường khoảng 0,5%-1%. 

Điểm mới nhất của chương trình BOTT năm nay, TPHCM đưa thêm 2 mặt hàng vào diện bình ổn, đó là khẩu trang kháng khuẩn và nước rửa tay sát khuẩn, nhằm đảm bảo đủ lượng hàng thiết yếu cho người dân phòng chống dịch Covid -19, nâng tổng số hàng BOTT năm 2020-2021 lên 12 nhóm mặt hàng, gồm lương thực (gạo, gạo nếp, mì gói, bún khô các loại), đường RE và RS, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị, khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. 

Về sản lượng hàng bình ổn trong tháng thường, tức hàng bình ổn chỉ chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường, như sau: Lương thực 2.681,5 tấn/tháng; trứng gia cầm 50,4 triệu quả/tháng; đường 1.412,3 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 550,2 tấn/tháng; dầu ăn: 750,8 tấn/tháng; rau củ quả 5.176,5 tấn/tháng; thịt gia súc 4.720 tấn/tháng; thủy hải sản 129,2 tấn/tháng; thịt gia cầm 9.062 tấn/tháng; gia vị 444,4 tấn/tháng. Ở nhóm khẩu trang các loại, TP sẽ đưa vào bình ổn 57,5 triệu cái trong 3 tháng và 3,29 triệu chai nước rửa tay sát khuẩn, tương đương 1,2 triệu lít/3 tháng.

Trong tháng tết, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm 25%-40%, như vậy sản lượng hàng sẽ tăng hơn nhiều so với con số vừa nêu trên. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, TP đang thực hiện ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid -19, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường, nhằm ổn định thị trường và giá cả hàng hóa. 

Theo Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), công tác chuẩn bị hàng hóa tham gia BOTT 2020 và Tết Tân Sửu 2021 đã được Saigon Co.op chủ động lên kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ. Năm nay, Saigon Co.op vẫn tham gia đầy đủ 10 nhóm hàng như các năm vừa qua. Riêng 2 mặt hàng mới được bổ sung vào chương trình BOTT 2020 là khẩu trang và nước sát khuẩn, Saigon Co.op được Sở Công thương giao là đơn vị chủ lực trong việc thu mua và phân phối đến tay người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh, Saigon Co.op luôn dự trữ nguồn hàng với sản lượng ngang bằng so với việc dự trữ hàng hóa vào mỗi dịp tết, tức tăng 30%-40% so với bình thường. Với sản lượng hiện nay, Saigon Co.op đủ sức cung ứng cho nhu cầu mua sắm của khách hàng 3-6 tháng với mức giá ổn định. Saigon Co.op đã và đang thực hiện việc ứng vốn cho các DN, các HTX vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chương trình và có kế hoạch dự trữ đề phòng thị trường có biến động. 

Các DN cung ứng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn

Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op; Công ty TNHH MTV hội nhập và phát triển Đông Hưng; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; Công ty cổ phần TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH E -Mart Việt Nam; Công ty TNHH Dịch vụ EB; Tổng Công ty Thuơng mại Sài Gòn - TNHH MTV.

Ưu tiên phân phối hàng hóa có chất lượng, an toàn

Theo nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, việc triển khai chương trình BOTT lương thực thực phẩm năm nay tiếp tục được xã hội hóa ở mức cao nhất; số lượng và thành phần các DN tham gia chương trình rất đa dạng. Đáng lưu ý, chương trình đã quy tụ hầu hết các DN có thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục đích của chương trình không chỉ đảm bảo bình ổn cho cả năm 2020, Tết Tân Sửu 2021 mà còn ứng phó tốt nhất với tình hình dịch Covid -19 tại TPHCM và cả nước. Do vậy, hàng hóa trong chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của nhân dân TP, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Về giá bán hàng hóa bình ổn, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá.  Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5%-10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong, sau Tết Tân Sửu năm 2021 (tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết).

Theo Kế hoạch thực hiện chương trình BOTT lương thực thực phẩm trên địa bàn TP năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021 của UBND TPHCM, đã phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành chức năng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN mở rộng, phát triển điểm bán. Theo đó, TP cũng khuyến khích DN tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, KCN - KCX, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven, huyện ngoại thành; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.

Chủ trương của lãnh đạo TPHCM về việc thực hiện bình ổn là không mở rộng quy mô chương trình mà tập trung tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Điều quan trọng là các mặt hàng bình ổn phải không ngừng hoàn thiện về chất lượng và an toàn thực phẩm tạo uy tín cho chương trình để người dân an tâm sử dụng. Cho đến nay, chương trình BOTT đang vận hành khá suôn sẻ, nguồn vốn huy động để tham gia hỗ trợ thực hiện bình ổn rất dồi dào, lãi suất hợp lý. Đặc biệt, thực hiện công tác ứng phó với dịch Covid-19, các DN tham gia chương trình BOTT ngày càng thể hiện rõ trách nhiệm, bản lĩnh của một DN chủ lực, tăng lượng hàng, giãn thời gian đóng cửa các điểm bán, đáp ứng tốt nhất về nhu cầu mua sắm của người dân TP, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Danh sách 37 DN tham gia chương trình BOTT lương thực thực phẩm năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021

1. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op (tham gia đầy đủ 10 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ lực);

2. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (gạo trắng hạt dài 5% tấm, gạo thơm Jasmine);

3. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (thịt heo tươi sống, gà thả vườn, thực phẩm chế biến);

4. Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát (gạo thiên kim Tây Đô, gạo thiên kim hương lài);

5. Công ty TNHH MTV Lương thực TPHCM (gạo thơm Jasmine, gạo trắng thường 5% tấm);

6. Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (gạo trắng hạt dài, gạo thơm Jasmine);

7. Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây (mì gói, phở, bún khô, phở, hủ tiếu, bánh hỏi, bún, nước tương);

8. Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa Miliket (mì gói, hủ tiếu ăn liền);

9. Công ty cổ phần Thương mại Thành Thành Công (đường RS);

10. Công ty cổ phần Vissan (thịt heo);

11. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cần Giờ (gạo trắng thường, đường RE, dầu ăn);

12. Công ty TNHH San Hà (thịt gia súc, gà ta nguyên con, gà công nghiệp nguyên con, gà thả vườn nguyên con, gà công nghiệp pha lóc, vịt nguyên con);

13. Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (gà công nghiệp nguyên con);

14. Công ty TNHH Ba Huân (trứng gà, trứng vịt, thịt gà công nghiệp, thực phẩm chế biến);

15. Công ty cổ Phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (trứng gà, trứng vịt);

16. Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thanh Niên Xung Phong (trứng gà);

17. Công ty Dư Hoài (trứng gà);

18. Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre (thực phẩm chế biến);

19. Công ty cổ phần Sài Gòn Food (thực phẩm chế biến);

20. Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (rau củ quả);

21. Công ty TNHH MTV thực phẩm Ánh Nhi (nấm bào ngư trắng và xám);

22. Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (rau củ quả);

23. HTX  Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (rau củ quả);

24. Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (rau củ quả);

25. HTX Nông nghiệp TM-DV Phú Lộc (rau củ quả);

26. HTX Nông nghiệp TM-DV Phước An (rau củ quả);

27. Công ty TNHH TMSX Hải Nam (thủy hải sản);

28. Công ty TNHH TM-DV Siêu thị BigC An Lạc (thịt gia súc);

29. Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng (gạo trắng thơm, gà thả vườn, gà ta, trứng gà và vịt);

30. Công ty TNHH Đầu tư TM-DV Khang Gia Land (gạo trắng thơm, gạo trắng thường, dầu ăn);

31. Công ty cổ phần Vinamit (rau củ quả, trái cây sấy);

32. Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (thịt heo, trứng gà);

33. Công ty TNHH Hoàng Anh Thy (thịt gia súc);

34. Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (nước mắm);

35. Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành (nước mắm);

36. Công ty TNHH Feddy (thịt gia súc, thực phẩm chế biến);

37. Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (thực phẩm chế biến, nước mắm cá cơm Bản Việt).

(Nguồn: UBND TPHCM)