Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ xã đến xóm, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trọng tâm, nhằm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu và hướng đến xây dựng mô hình xã Nông thôn mới thông minh.
Đưa chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hoạt động của cộng đồng; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.
Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đưa chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hoạt động của cộng đồng; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.
Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Lãnh đạo UBND xã Tức Tranh đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Năm 2022, Tức Tranh đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Tức Tranh tiếp tục trở thành địa phương đầu tiên được tỉnh và huyện Phú Lương lựa chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Một trong những tiêu chí quan trọng của xã nông thôn mới thông minh là phải hoàn thiện nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số.
Lãnh đạo UBND xã Tức Tranh cho biết, địa chỉ số là tập hợp thông tin để xác định vị trí, tọa độ gắn liền với đất là nhà ở, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Khi hoàn thành, nền tảng địa chỉ số sẽ cập nhập thông tin từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị sau đó được tích hợp với địa chỉ số của tỉnh, của quốc gia.
Ngay khi tỉnh và huyện có chủ trương, Đảng ủy, UBND xã Tức Tranh đã tổ chức họp với các đoàn thể để xây dựng kế hoạch cụ thể với quyết tâm cao để triển khai đến người dân. Sau hơn 1 tháng triển khai, địa chỉ của 2.327 hộ dân (đạt khoảng 95%) trên địa bàn xã đã được cập nhập trên nền tảng địa chỉ số.
Để cập nhật thông tin chính xác địa chỉ của các hộ dân, xã Tức Tranh lựa chọn các cá nhân là trưởng xóm, trưởng đoàn thể ở các xóm, am hiểu về công nghệ, nhiệt tình với công việc, đi tập huấn về công nghệ. Sau đó, mỗi xóm thành lập 1 tổ công nghệ từ 5-7 người để đi đến từng nhà, giải thích cặn kẽ về lợi ích của việc ứng dụng và hướng dẫn cách sử dụng nền tảng địa chỉ số. Đến nay, nhiều người dân đã quen dần với các tiện ích của địa chỉ số.
Khi thực hiện cài đặt địa chỉ số, mọi người chỉ cần nhập các mã dãy số được cung cấp, lập tức địa chỉ thông tin về gia đình hiện đầy đủ, chính xác từ chỉ dẫn đường; thông tin sản phẩm gia đình đang bán...
Theo lãnh đạo xã Tức Tranh, trên địa bàn xã còn 154 địa chỉ chưa thể cập nhập nền tảng địa chỉ số do quá trình khảo sát trước đây của Bưu điện bị “vênh” so với thực tế. Vì vậy, xã đang phối hợp chặt chẽ với Bưu điện để tiếp tục cập nhập, hoàn thành 100% địa chỉ cần cập nhật trên nền tảng địa chỉ số.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, Tức Tranh là địa phương đầu tiên của tỉnh được lựa chọn để thực hiện thí điểm xây dựng nền tảng địa chỉ số. Bởi đây là xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và được lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Khi hoàn thành, Tức Tranh sẽ là một điển hình trong việc ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Theo ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử, Tức Tranh đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 5/6/2023, đã có 2.169/2.180 số hồ sơ được giải quyết trực tuyến, tương đương 99,4%. Trong quá trình nộp hồ sơ, người dân được đánh giá mức độ hài lòng qua phiếu đánh giá. Công tác điều hành của chính quyền đang thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên.
Cùng với đó, xã thực hiện công khai thông tin số điện thoại của cán bộ chính quyền xã cho người dân trên địa bàn. Trong xã có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số. Hiện 100% cán bộ xã, cán bộ xóm sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng zalo, fanpage, facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân.
Mô hình nông thôn mới thông minh của xã thể hiện sinh động qua các hộ kinh doanh, hợp tác xã bán trà (sản phẩm chủ lực của xã) trên kênh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada… Đặc biệt, xã đã thực hiện mô hình xóm thông minh tại Khe Cốc, người dân tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, triển khai mô hình chợ thông minh (chợ không dùng tiền mặt), các nhà trường thu các khoản đóng góp qua tài khoản… Tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán trực tuyến hiện đạt 50%. Hiện, xã Tức Tranh có 7 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đã được bán trên kênh thương mại điện tử.
Để có được những kết quả tích cực trên, ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh chia sẻ, thời gian qua xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, thực tế và luôn bám sát hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thường xuyên cập nhật các văn bản từ các bộ, ngành, các cấp có liên quan, để xây dựng mô hình theo đúng định hướng chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tạo ra phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới thông minh, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho cán bộ thực hiện và nhân dân trên địa bàn xã để giúp nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới…
Thu Hường