Sản xuất công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế

|

Sản xuất công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.
 
Sản xuất công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế
 
Thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất... do vậy, sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển với tốc độ cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng mức cao trong Tám tháng liên tiếp: Tháng 2 tăng 9,2%, tháng 3 tăng 9,1%, tháng 4 tăng 10,7%, tháng 5 tăng 9,5%, tháng 6 tăng 9,1%, tháng 7 tăng 9,5%, tháng 8 tăng 13,3% và ước tính tháng 9 tăng 13%. Sản xuất công nghiệp ước tháng Chín tiếp tục tăng cao, tăng 1,8% so tháng trước và tăng 13% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước nhiều tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nặng của dịch covid-19). 
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 2,5% của cùng kỳ năm 2020, mức tăng 3,9% của cùng kỳ năm 2021 và  ngang bằng mức tăng 9,6% cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm tới trên 73% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế), 9 tháng năm 2022 tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,3%); có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm trong ngành chế biến chế tạo tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 31,9%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da, các sản phẩm có liên quan tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu cùng tăng 18,3%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 17,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 16,4%; sản xuất thiết bị điện 14,9%;... Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp trọng điểm giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%; sản xuất kim loại giảm 0,8%.
 
Theo địa phương, có 61/63 (chiếm 96,8%) tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó những tỉnh có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao gồm: Bắc Giang tăng 44,2%; Cần Thơ tăng 30,9%; Quảng Nam tăng 30,3%; Vĩnh Long 28,9%; Đắk Lắk tăng 28,3%; Kiên Giang tăng 25,6%; Khánh Hòa tăng 25,4%;... Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh trung tâm công nghiệp cả nước đã có mức tăng 19,6% (cùng kỳ năm trước TP. HCM là tâm dịch covid-19 giảm sâu). Có 2 tỉnh tăng trưởng âm: Trà Vinh -25,5% (chủ yếu do ngành sản xuất điện giảm 39,2%) và Hà Tĩnh -15,6% (chủ yếu do ngành sản xuất điện giảm 35,3%).
 
Chung lại, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 12,12%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý I tăng 7,85%; quý II tăng 11,07%; quý III tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,42%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
 
Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ
năm trước các năm 2018-2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm
 
%
  2018 2019 2020 2021 2022
 
Sản xuất đồ uống
 
8,2
 
11,0
 
-6,2
 
-3,8
 
31,9
Sản xuất trang phục 10,9 8,4 -5,5 4,5 22,5
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 10,5 8,9 -4,1 4,8 20,4
Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 25,2 -2,8 32,2 -20,6 18,3
Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 2,4 12,4 -2,3 4,1 17,3
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện 2,5 9,8 -5,6 3,2 16,4
Sản xuất thiết bị điện 7,5 10,4 0,4 -0,4 14,9
Sản xuất phương tiện vận tải khác 5,7 -5,8 -9,3 -2,7 11,4
Sản xuất sản phẩm thuốc lá 5,2 4,0 7,4 -3,2 11,4
Sản xuất kim loại 19,7 36,7 4,6 27,5 -0,8
Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 3,4 15,0 3,9 -1,8 -5,4
 
 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2022 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 21,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 6,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 17,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,4% và tăng 25,8%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,5% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,2% và tăng 23,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 2,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và tăng 5,5%.
 

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao

Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 112,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 758,1 nghìn lao động, tăng 31,9% về số doanh nghiệp, tăng 6,4% về vốn đăng ký và tăng 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.635,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,7 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 50,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 9 tháng năm nay có 1.543 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; 27,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 20,8%; 83,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 36,8%. 

Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 62,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; 36,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8%. Bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp thành lập mới và giải thể 9 tháng năm 2022
phân theo một số lĩnh vực hoạt động

Doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt lên trong quý IV

 

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2022, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022; 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.
 
Về khối lượng sản xuất, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2022 tăng so với quý II/2022; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 25,6% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 46,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 36,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 17% số doanh nghiệp dự báo giảm.
 
Về đơn đặt hàng, có 35% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2022 cao hơn quý II/2022; 39% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 26% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 44,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 17,5% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm. 
 
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III/2022 so với quý II/2022, có 26,9% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45,1% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 28% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 37,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 44,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 18% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
 
 (Nguồn: Vụ Thống kê Công nghiệp – Xây dựng – TCTK)