Sáng ngày 16/5/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức lễ Công bố Kết quả ban đầu Điều tra Quốc gia về Sử dụng thời gian năm 2022. Tham dự lễ Công bố có các chuyên gia đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, WB, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và một số đại biểu khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Sau diễn văn khai mạc qua điểm cầu trực tuyến của bà Helle Buchhave, Chuyên gia trưởng về Giới và Chủ nhiệm Chương trình giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, các đại biểu đã được nghe phát biểu chào mừng của bà Maijdie Hordern, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Sau diễn văn khai mạc qua điểm cầu trực tuyến của bà Helle Buchhave, Chuyên gia trưởng về Giới và Chủ nhiệm Chương trình giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, các đại biểu đã được nghe phát biểu chào mừng của bà Maijdie Hordern, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Các đại biểu tham dự trực tiếp Lễ Công bố Kết quả ban đầu Điều tra Quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022
Tại lễ Công bố, qua điểm cầu trực tuyến, ông Ignace Glorieux, Giáo sư Xã hội học, Đại học Vrije Universiteit, Bỉ đã trình bày Kết quả điều tra quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022. Cuộc điều tra được thực hiện với 6001 mẫu khảo sát là người dân Việt Nam có độ tuổi từ 15-64 tuổi, sống trong các cấu trúc hộ gia đình đủ điều kiện. Trọng số tập trung vào mẫu ở cả 3 vùng Bắc - Trung - Nam; được thực hiện ở cả nam và nữ. Dữ liệu nhật ký được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn ngày hôm sau, bao gồm khoảng thời gian từ ngày 10/12/2022 đến ngày 01/03/2023. Điều tra được thực hiện với 8 nhóm hoạt động, gồm: Công việc được trả lương; công việc nhà; chăm sóc gia đình; công việc cộng đồng và giúp đỡ các hộ gia đình khác; học tập; tham gia xã hội; giải trí và sử dụng phương tiện truyền thông; chăm sóc bản thân, ăn uống, nghỉ ngơi. Tổng cục Thống kê tham gia hỗ trợ về thiết kế mẫu, tư vấn phiếu hỏi, giám sát, hỗ trợ tính toán một số chỉ tiêu của điều tra.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Tổng cục Thống kê (thứ hai từ trái sang) tham gia tọa đàm trong vai trò
cán bộ đầu mối về giới tính
Kết quả cho thấy, việc sử dụng thời gian của phụ nữ và nam giới khác nhau nhiều nhất ở khía cạnh phân bổ không đồng đều giữa công việc được trả lương và không được trả lương cũng như thời gian rảnh rỗi. Tỷ lệ thời gian dành cho công việc được trả lương chiếm 21% thời gian không dành cho nhu cầu cá nhân của nữ giới và chiếm 25% thời gian không dành cho nhu cầu cá nhân của nam giới. Tỷ lệ thời gian làm việc nhà chiếm 12% thời gian của nữ giới và ở nam giới là 4%; trong khi đó, tỷ lệ thời gian giải trí và sử dụng phương tiện truyền thông của nữ giới là 6% và nam giới là 10%. So sánh với một số quốc gia khác như Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, cả nữ giới và nam giới ở Việt Nam đều có ít thời gian giải trí trong ngày hơn các nước còn lại. Mặt khác, việc sử dụng thời gian của nữ giới và nam giới khác nhau nhiều nhất ở khía cạnh phân bổ không đồng đều giữa công việc được trả lương và không được trả lương cũng như thời gian rảnh rỗi. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các công việc được trả lương ở Việt Nam cao, gần 70% phụ nữ Việt Nam từ 15 đến 74 tuổi làm công việc được trả lương trung bình một ngày (trong tuần và ngày cuối tuần). Tỷ lệ tham gia giải trí của phụ nữ thấp, trung bình gần 1/3 phụ nữ Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày. Kể cả thứ 7 và chủ nhật (không nêu trong bảng), 30% phụ nữ Việt Nam không đề cập đến các hoạt động giải trí. Mặc dù trung bình hầu hết phụ nữ đều làm việc nhà hàng ngày, chỉ có 55% nam giới tham gia vào loại hoạt động này; thời gian mỗi người tham gia làm việc nhà cũng cao hơn nhiều đối với phụ nữ (3 giờ mỗi ngày) so với nam giới (1:42’ mỗi ngày). Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công việc chăm sóc gia đình so với nam giới, trong khi trung bình có 45% phụ nữ làm công việc chăm sóc gia đình mỗi ngày, chỉ có 24% nam giới làm công việc này; Ngoài ra, thời lượng mỗi người tham gia công việc chăm sóc gia đình của phụ nữ (khoảng 3:15’) cao hơn nhiều so với nam giới (khoảng 2 giờ).
Toàn cảnh lễ công bố kết quả
Phần tọa đàm được tiến hành ngay sau khi kết quả được công bố với các khách mời chuyên gia, gồm: Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Việt Nga, Chuyên viên chính, cán bộ đầu mối về giới, Tổng cục Thống kê; bà Mia Urbano, Chuyên gia cao cấp về Bình đẳng giới, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; bà Helle Buchhave, Chuyên gia trưởng về Giới, Ngân hàng Thế giới và ông Ignace Glorieux, Giáo sư Xã hội học, Đại học Vrije Universiteit, Bỉ. Với sự điều hành của bà Yudy Yang, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, các chuyên gia đã thảo luận và trả lời các câu hỏi liên quan đến Kết quả điều tra. Các chuyên gia đánh giá cao và cho rằng Kết quả Điều tra Quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022 sẽ đem lại những dữ liệu hữu ích trong việc đánh giá một số chỉ tiêu về bình đẳng giới. Kết quả cũng có thể được sử dụng để phục vụ các hoạt động: Chăm sóc cho người cao tuổi, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, đối phó với BĐKH, so sánh năng suất lao động, tận dụng lợi thế dân số vàng, đặc biệt là vấn đề giới... Bên cạnh đó, các khách mời tham gia tọa đàm đã thảo luận về một số nội dung và trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự, như: Số thời gian lao động phản ánh mức độ thu nhập, từ đó có thể thiết kế ra các hoạt động để tiết kiệm thời gian hoặc thiết kế các hoạt động phù hợp cho cả nam và nữ giới; điểm tương đồng và khác biệt giữa kết quả điều tra của Việt Nam và các quốc gia khác; đồng thời thảo luận về tính khả thi của việc tiến hành điều tra thường kỳ. Dữ liệu từ điều tra có thể bổ trợ cho các dữ liệu liên quan đến khảo sát, điều tra về bảo hiểm xã hội, các hỗ trợ chính thức và phi chính thức. Các dữ liệu được sử dụng như thế nào cho các hoạt động hỗ trợ sắp tới, tính sát thực của kết quả điều tra...
Tin, ảnh: Thu Hiền