Kinh tế châu Âu đối mặt mùa hè ảm đạm

|

Kinh tế châu Âu đối mặt mùa hè ảm đạm

Tốc độ tiêm phòng vaccine Covid-19 đang diễn ra một cách chậm chạp ở các nước Liên minh châu Âu (EU), báo hiệu điềm xấu cho hàng triệu việc làm và các ngành phụ thuộc du lịch trong mùa hè sắp tới. Giới chuyên gia cho rằng, điều này có thể làm ảnh hưởng tới những nỗ lực phục hồi kinh tế mà chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng thực hiện.

Du lịch mùa hè đối mặt viễn cảnh u ám

Các chính phủ trong Liên minh châu Âu trước đây hy vọng rằng trong những tháng đầu năm 2021, khu vực này sẽ đạt một con số đủ lớn người dân được tiêm chủng ngừa Covid-19 để có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế, mở ra một mùa hè tương đối bình thường cho mọi người. Đối với hàng triệu doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm cự trong suốt mùa đông vừa qua, đặc biệt là Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha, nơi du lịch tạo ra một phần lớn việc làm và hoạt động kinh tế, vaccine Covid-19 được coi là viễn cảnh tươi sáng. Tuy nhiên, thực tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của EU đang diễn ra với tốc độ chậm chạp, cộng với những lo ngại gần đây về tính an toàn của vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca, có thể khiến nền kinh tế khu vực châu Âu đối mặt với viễn cảnh một mùa hè u ám. Các chuyên gia cho rằng, thất thu từ hoạt động du lịch trong mùa hè sẽ gây ra tổn hại nặng nề cho kinh tế khu vực kinh tế châu Âu. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh chóng ở Mỹ đang hứa hẹn giúp hàng triệu người dân nước này có thể quay lại nghỉ dưỡng ở bãi biển, tiệc tùng và lên xe du lịch đường dài. Điều này có nghĩa là tiến trình phục hồi kinh tế của châu Âu sẽ tụt hậu nhiều so với Mỹ.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Những quốc gia có độ phụ thuộc cao vào ngành du lịch trong khu vực rất có thể sẽ tiếp tục chứng kiến nền kinh tế suy giảm trong năm nay. Theo dữ liệu từ Hội đồng Lữ hành và du lịch Thế giới (WTTC), du lịch - lữ hành đóng góp khoảng 13% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Italy; 14% đối với Tây Ban Nha và 21% đối với Hy Lạp. Ở Mỹ và phần lớn các nước Bắc Âu, con số tương ứng là dưới 10%. Số liệu của công ty nghiên cứu Oxford Economics cho thấy, tổng doanh thu ngành du lịch và lữ hành trong năm 2020 đã giảm một nửa ở Italy, còn 88 tỷ Euro, tương đương 105 tỷ USD; và giảm gần 2/3 ở Tây Ban Nha, còn 44 tỷ Euro.

Hy vọng phục hồi du lịch tại Châu Âu đang ngày càng mờ mịt khi dịch bệnh lại có chiều hướng tái bùng phát và nhiều nước áp dụng phong tỏa trở lại. Mới đây, một số nước EU, bao gồm Pháp và Italy đã phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế ngặt nghèo và phong tỏa một phần do số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh trở lại. Những biện pháp phong tỏa này sẽ là rào cản lớn đối với triển vọng phục hồi ngành du lịch trong mùa cao điểm hè sắp tới. Theo dữ liệu từ Google Mobility, lượng khách ghé thăm các cửa hiệu bán lẻ, nhà hàng, quán café và trung tâm mua sắm ở khu vực Tây Âu hiện nay chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, lượng khách tương ứng ở Mỹ hiện chỉ thấp hơn khoảng 10% so với thời điểm trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Với các biện pháp hạn chế được áp trở lại, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) nhiều khả năng sẽ suy giảm trong quý I năm 2021, nghĩa là rơi vào một cuộc suy thoái hai đáy. Trong khi đó, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,5%.

Thêm vào đó, việc triển khai vaccine Covid -19 gặp nhiều khó khăn khi chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 bị chậm hơn dự kiến. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Eurozone sẽ còn đuối sức trong nhiều tháng tới. Những nước lớn trong EU như Pháp, Đức và Italy mới tiêm được ít nhất 1 mũi vaccine cho chưa đầy 10% dân số, so với tỷ lệ 23% ở Mỹ. EU đặt mục tiêu các quốc gia thành viên đến tháng 9 tiêm chủng được cho 70% dân số. Lúc đầu, các nước đều nói họ sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu này. Tuy nhiên, khả năng đạt mục tiêu đến nay chưa có gì chắc chắn, do các vấn đề về nguồn cung vaccine và nhiều người châu Âu từ chối tiêm vaccine AstraZeneca.

Nhà kinh tế Jacob Nell của Morgan Stanley nhận định, số lượng ca nhiễm đang tăng lên, việc triển khai vaccine chậm chạp đang khiến châu Âu đối mặt với nguy cơ có thể mất “mùa Hè thứ hai”. Viễn cảnh mùa Hè u ám cũng đang bao trùm lục địa già bất chấp việc EU muốn phát hành chứng chỉ xanh du lịch. Bởi theo dự báo, tới ngày 14/7, các nước thành viên EU mới đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng ở mức độ châu lục, trong khi kỳ nghỉ Hè bắt đầu từ cuối tháng 6.

Những kịch bản kinh tế

Trước khi chiến dịch tiêm phòng Covid-19 của châu Âu gặp trục trặc, các nhà hoạch định chính sách đã kỳ vọng vào một sự phục hồi vừa phải của nền kinh tế khu vực trong quý II năm 2021, rồi sự phục hồi đó sẽ tăng tốc mạnh trong mùa hè cùng với chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh. Trong kịch bản đó, đến cuối năm nay, gần một nửa trong số 19 quốc gia thành viên Eurozone sẽ lập lại mức sản lượng kinh tế trước đại dịch, và toàn bộ nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong cả năm, so với mức dự báo tăng 6,5% của kinh tế Mỹ.

Nếu việc mở cửa trở lại bị trì hoãn từ 3 tháng trở lên, EU cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ chỉ tăng 2,5% trong năm nay. Thay vì trở lại ngưỡng sản lượng trước đại dịch vào cuối năm 2021, kinh tế Eurozone sẽ phải đến cuối năm 2022 mới đạt tới mốc phục hồi như vậy. Ngoài ra, tốc độ phục hồi chậm chạp còn có thể gây ra tác hại dài hạn đối với nền kinh tế khu vực.

Ngay cả khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ trong mùa hè năm nay, EU cũng cho rằng phải đến cuối năm 2022, Italy và Tây Ban Nha mới có thể trở lại mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch, chậm hơn 1 năm so với Đức. Và theo đó, nới rộng thêm khoảng cách phát triển đã tồn tại lâu nay giữa miền Bắc thịnh vượng của châu Âu và khu vực miền Nam. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanly ước tính nền kinh tế Tây Ban Nha có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2022 nếu mùa du lịch năm nay kém hơn năm ngoái.

Trong khi ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất ở châu Âu đã điều chỉnh để thích nghi với các biện pháp hạn chế, tránh được tình trạng phải đóng cửa như trong năm 2020 và đạt được sự phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, sản lượng công nghiệp của Eurozone trong tháng 1/2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt quãng thời gian suy giảm kéo dài 2 năm. Lĩnh vực sản xuất của Italy ghi nhận tăng trưởng trong tháng 2, nối đà tăng trưởng sang tháng thứ 8 liên tiếp. Tuy nhiên, sức mạnh của ngành sản xuất có thể không đủ để bù đắp sự suy yếu của ngành dịch vụ có quy mô rất lớn - lĩnh vực gặp trở ngại vì đợt phong tỏa mới.

Ngoài ra, các ngân hàng ở châu Âu còn đang siết chặt việc cấp vốn vay cho doanh nghiệp và hộ gia đình vì lo ngại rằng làn sóng Covid-19 mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, trong thời gian từ tháng 12/2020-1/2021, hoạt động cấp vốn ngân hàng cho doanh nghiệp ở Eurozone đã ngưng trệ. Vì vậy, ECB cho biết sẽ đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu Eurozone để kiểm soát đà tăng của lãi suất cho vay. Việc nỗ lực kiểm soát dịch Covid-1i và kế hoạch tiêm chủng vacine, đang đặt ra cho nền kinh tế Châu Âu những kịch bản khác nhau./.

 
Trúc Linh